Munich, Ngày 9 tháng 12 năm 2010 – Ngày hôm nay, công ty Siemens AG đã công bố các dự án chống tham nhũng đầu tiên được nhận nguồn vốn từ quỹ Sáng kiến Liêm chính 100 triệu USD nhằm thúc đẩy thị trường lành mạnh. Sáng kiến này là một phần của thỏa thuận toàn diện giữa Ngân hàng Thế giới và Siemens AG vào ngày mùng 2 tháng 7 năm 2009.
Khoản tiền 40 triệu USD đầu tiên sẽ được trao cho hơn 30 sáng kiến từ hơn 20 quốc gia được lựa chọn. Khoảng 300 tổ chức phi chính phủ từ 66 quốc gia đã nộp đơn xin tài trợ trong vòng đầu.
Ông Peter Y. Solmssen, thành viên của Hội đồng quản trị và Luật sư trưởng của Siemens AG nói: “Siemens ủng hộ hoạt động kinh doanh hiệu quả với các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Cùng với nhóm Ngân hàng Thế giới, chúng tôi muốn thúc đẩy tính liêm chính và cạnh tranh lành mạnh trên toàn cầu. Với việc lựa chọn các dự án nhận tài trợ từ Sáng kiến Liêm chính Siemens, chúng tôi đã thực hiện bước đi quan trọng đầu tiên theo hướng này.”
“Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến và cam kết rõ ràng của công ty với nguyên tắc rằng chỉ kinh doanh trong sạch thì mới bền vững.” Ông Leonard McCarthy, Phó Chủ tịch về Liêm chính của Nhóm Ngân hàng Thế giới nói. “Tham nhũng đánh cắp của người nghèo và phải cùng hợp tác mới có thể ngăn chặn nó. Các dự án của Sáng kiến Liêm chính Siemens sẽ giúp tăng cường ý chí chốngng tham nhũng toàn cầu và cải thiện điều kiện cho mọi người.”
Các dự án được hỗ trợ trong đợt đầu này bao gồm hỗ trợ tổ chức của Brazil Instituto Ethos trong việc đảm bảo tính minh bạch của việc ký các hợp đồng xây dựng cho giải World Cup 2014 và Thế vận hội 2016 tại Brazil. Tại Châu Âu, Học viện Chống Tham nhũng Quốc tế mới thành lập sẽ nhận được tài trợ cho việc nghiên cứu và giảng dạy.Tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna được thành lập nhằm đào tạo các chuyên gia chống tham nhũng từ các quốc gia trên thế giới.
Các sáng kiến khác được hỗ trợ tài chính đến từ các nước sau: Angola, Ai Cập, Ấn Độ, Brazil, Cộng hòa Czech, Hungary, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Indonesia, Ý, Mexico, Nigeria, Philippines, Nga, Nam Phi, Cộng hòa Slovak,Trung Quốc, Việt nam và các nước Trung Đông.
Tại Việt Nam, dự án Liêm chính và Minh bạch trong Sáng kiến Kinh doanh, do VCCI và Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp Quốc tế phối hợp đã được nhận 500.000 USD từ quỹ này.
Theo một phần của thỏa thuận giữa Ngân hàng Thế giới và Siemens AG, Ngân hàng Thế giới có quyền kiểm toán việc sử dụng quỹ này và quyền phủ quyết đối với việc lựa chọn của Siemens với các nhóm hay chương trình chống tham nhũng nhận tài trợ từ quỹ. Việc lựa chọn được thực hiện dựa trên tiêu chí đạt sự cân bằng giữa các chủ đề và việc phân phối quỹ đến các khu vực.
Trong tháng 12 năm 2009, Siemens đã tuyên bố rằng quỹ với tổng trị giá 100 triệu đô la sẽ được phân bố trong 15 năm tới cho các tổ chức phi chính phủ toàn cầu nhằm thúc đẩy kinh doanh liêm chính và chống tham nhũng. Sáng kiến này là một phần của thỏa thuận giữa Siemens và Ngân hàng Thế giới sau một cuộc điều tra của Phó Chủ tịch Liêm chính Ngân hàng Thế giới và xác nhận của Siemens về các hành vi sai trái trong quá khứ trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của Siemens.
Ông Theo Waigel, giám sát tuân thủ độc lập của công ty, nói: “Siemens đang thiết lập một hình mẫu toàn cầu. Đây là một tổ chức đã được thành lập với hơn 600 nhân viên. Việc quản lý mới được thực hiện theo nguyên tắc cơ bản rằng chỉ kinh doanh trong sạch mới là kinh doanh của Siemens”.
Các thỏa thuận tài trợ khác thuộc sáng kiến Ngân hàng Thế giới – Siemens sẽ được công bố trong năm 2011.
Để có hình ảnh với độ phân giải cao của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick và Giám đốc điều hành Siemens Peter Loescher trong buổi lễ ra mắt Sáng kiến Liêm chính Siemens.
Thông tin chung
Thỏa thuận với Siemens này bắt nguồn từ một cuộc điều tra của Ngân hàng Thế giới, và việc công ty thừa nhận hành vi sai trái trong quá khứ kinh doanh toàn cầu của mình. Theo thỏa thuận này, Công ty TNHH Siemens (OOO Siemens), một công ty con của Siemens AG tại Nga, đã bị cấm tham gia các dự án của Ngân hàng Thế giới trong bốn năm vì liên quan đến các vi phạm trước năm 2007. Những phát hiện này là kết quả của một cuộc điều tra của Phó Chủ Tịch Ủy ban Liêm chính Ngân hàng Thế giới về hành vi gian lận và tham nhũng trong "Dự án giao thông đô thị Moscow" do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Siemens AG (tại Berlin và Munich) là một công ty hàng đầu về điện tử và cơ điện, hoạt động trong ngành công nghiệp, năng lượng và chăm sóc y tế. Trong hơn 160 năm, Siemens luôn đi đầu với sự xuất sắc về công nghệ, sáng tạo, chất lượng, độ tin cậy và trình độ quốc tế. Công ty này là nhà cung cấp lớn nhất thế giới về công nghệ môi trường, tạo ra 28 tỷ EUR - hơn một phần ba tổng doanh thu của công ty - từ các sản phẩm và các giải pháp xanh. Trong năm tài chính 2010, kết thúc vào ngày 30 tháng 9 năm 2010, doanh thu đạt 76 tỷ EUR và thu nhập ròng đạt 41 tỷ EUR. Vào cuối tháng chín năm 2010, Siemens có khoảng 405 nghìn nhân viên trên toàn thế giới.
Nhóm Ngân hàng Thế giới là một trong những tổ chức cung cấp tài trợ và kiến thức lớn nhất trên thế giới cho các nước đang phát triển. NHTG bao gồm năm tổ chức liên quan chặt chẽ: Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), hình thành nên Ngân hàng Thế giới, cùng Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên (MIGA); và Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Đầu tư Quốc tế (ICSID). Mỗi tổ chức có vai trò riêng trong sứ mệnh chống đói nghèo và cải thiện đời sống cho người dân ở các nước đang phát triển.