Skip to Main Navigation
Ý KIẾN

Tại sao khó trả lời những câu hỏi đơn giản về các doanh nghiệp nhà nước?

2 Tháng 6 Năm 2014


Gregory Smith Báo Tuổi trẻ

Quốc hội hiện đang thảo luận dự thảo Luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Luật mới này cần giải quyết một số vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đơn giản nhưng khó giải đáp về khu vực doanh nghiệp nhà nước đang chiếm tới một phần ba GDP của Việt Nam.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc công khai thông tin của doanh nghiệp nhà nước, cùng với các cuộc cải cách khác, có thể góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này. Công khai thông tin, bao gồm thông tin tài chính và phi tài chính, và có thể là công khai nội bộ hay bên ngoài (tức là công bố ra công chúng ). Công khai thông tin tốt hơn - về số lượng và chất lượng, có thể mang lại lợi ích đáng kể.

Thực trạng ở mỗi DNNN đang diễn ra khác nhau, nhưng nhìn chung thông tin chưa đầy đủ về chất lượng, độ chính xác và tính kịp thời, do vậy khả năng của giám sát của các cơ quan chính phủ đối với hoạt động của DNNN còn nhiều hạn chế. Nghị định 61 (tháng 6/2013) là một bước tiến trong việc công khai thông tin, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Các quy định hiện nay chưa đủ để đưa ra một khung pháp lý hiệu quả trong việc công bố thông tin. Đã có một số quy định về nghĩa vụ công khai thông tin tài chính và phi tài chính của DNNN, nhưng hướng dẫn thì còn chưa đồng bộ và khó thực hiện. Cũng còn nhiều vấn đề về việc thực thi, giám sát và mức độ chi tiết của yêu cầu; vì vậy trong thực tế nhiều DNNNcông khai khá nhiều thông tin nhưng chủ yếu trên cơ sở tự giác.

Nói vậy nhưng cũng phải thấy rằng Việt Nam đã đạt được nhiều tiến triển trong việc cung cấp thông tin được công khai và trực tuyến. Một ấn phẩm gần đây của tổ chức Arachnys Open Data Compass cho thấy Việt Nam đã là “một trong những nước đi đầu trong khu vực”, xếp thứ hai trong nhóm các quốc gia ASEAN xét về mức độ sẵn có của thông tin về doanh nghiệp trên mạng, nhưng ấn phẩm không tập trung vào DNNN.

Xuất phát từ công trình của các đồng nghiệp tại Ngân hàng Thế giới về công khai các quy định quản lý đất đai, chúng tôi đã xem xét những thông tin được đưa lên trên mạng của các DNNN. Năm ngoái, chúng tôi tìm kiếm trên mạng và thấy 89 DNNN của Việt Nam có trang web, trong đó có 11 tập đoàn và 12 tổng công ty. Mặc dù đã có nhiều DNNN công khai thông tin hữu ích, vẫn còn phải cải thiện chất lượng thông tin. Chúng tôi thấy chỉ có 9% cung cấp thông tin tài chính tổng hợp và chỉ 16% công bố báo cáo thường niên, báo cáo tài chính hoặc báo cáo kiểm toán. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng cho dù có thể trên mạng không có thông tin nhưng các DNNN đều có thông tin cho mục đích nội bộ. Những thông tin này cần được chia sẻ rộng rãi, và hơn thế nữa phải cải thiện chất lượng thông tin để phục vụ mục đích giám sát và đánh giá. Năm nay chúng tôi dự định thực hiện hoạt động này một lần nữa để xem tình hình có được cải thiện không.

Cũng cần nhìn lại một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) thực hiện năm 2010, trong đó cho thấy gần như tất cả DNNN cung cấp báo cáo cho các bộ và cơ quan chủ quản, nhưng chỉ có 7%  DNNN công khai lưu hành các báo cáo và chỉ có 9% trong số 290 DNNN được nghiên cứu – sử dụng truyền thông đại chúng. Điều thú vị là các DNNN cổ phần hóa công khai nhiều hơn với 32% sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng vào thời điểm nghiên cứu. Điều này cho thấy DNNN cổ phần hóa công bố thông tin nhiều hơn, dù gần đây quá trình thoái vốn nhà nước đã chậm hơn dự kiến.

Có một số ví dụ ủng hộ quan điểm cho rằng việc tuân thủ quy định của các công ty đã cổ phần hóa trong việc công khai thông tin tốt hơn so với DNNN nói chung. Ví dụ, Tập đoàn Bảo Việt (hiện là một Tập đoàn kinh tế đã được cổ phần hóa) đã trở nên minh bạch hơn nhiều trong việc công bố thông tin của mình. Trang web của công ty này hiện rất giàu thông tin và bao gồm cả, trong số rất nhiều thông tin được công bố, chi tiết về tình trạng tài chính, nhân sự chủ chốt, dịch vụ và các sản phẩm, cơ cấu tổ chức, hoạt động chính trong tháng hoặc năm, giao dịch chủ yếu của công ty, và quyết định quan trọng của Hội đồng quản trị. Cũng có thể tải về Báo cáo hàng năm của Tập đoàn từ năm 2008 (một năm sau khi cổ phần hoá Tập đoàn). Các DNNN khác có cải thiện rõ rệt về công bố công khai thông tin bao gồm Ngân hàng Công thương, Vinaconex và Vinamilk. Cũng rõ ràng rằng những doanh nghiệp đang gặp khó khăn hay bị chú ý thương đưa nhiều thông tin ra công chúng hơn, vì sự chú ý của giới truyền thông cao hơn.

Cần ủng hộ, khuyến khích động cơ để DNNN cung cấp thông tin có chất lượng hơn, tốt hơn cho chính phủ và mọi người dân. Công khai thông tin hơn sẽ giúp trả lời câu hỏi về tình hình hoạt động và tài chính của DNNN dễ hơn. Việc Quốc hội thảo luận về dự thảo luật là một cơ hội quan trọng nhằm tăng cường sự minh bạch về tình hình hoạt động và tài chính của DNNN.


Api
Api

Welcome