Ý KIẾN

Cần nghiên cứu và sáng tạo nhiều hơn để tạo động lực tăng trưởng bền vững ở Việt Nam

19 Tháng 5 Năm 2014


Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Gần đây, khi đến thăm Viện Công nghệ sinh học ở Hà Nội, tôi mới biết rằng các loại vi khuẩn cư trú trong ruột của mối có thể giúp biến xen-lu-lô thành nguồn năng lượng – một công nghệ xanh và bền vững góp phần xóa nghèo ở Việt Nam. Điều này thật đặc biệt.

Tuần lễ Khoa học Sáng tạo đang diễn ra ở Việt Nam là một dịp thể hiện những thành tựu đầy ấn tượng mà Việt Nam đã đạt được trong việc đổi mới sáng tạo. Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Đổi mới sáng tạo (Innovation Efficacy Index) của INSEAD, Việt Nam đã thành công trong việc tiếp cận với kiến thức khoa học công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Tỷ lệ người sử dụng internet ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể từ năm 2003 đến nay, và đến năm 2011 đã đạt 39,5%, cao hơn rất nhiều so với Thái Lan (26,5%) và Indonesia (15,4%) - hai quốc gia có GDP tính theo đầu người cao hơn đáng kể so với Việt Nam.

Trong lĩnh vực khoa học, Việt Nam có lợi thế về khoa học trái đất và môi trường và nghiên cứu y sinh học. Nếu đánh giá dựa trên số lần trích dẫn ấn phẩm khoa học được công bố, thì nghiên cứu y sinh học của Việt Nam có tầm ảnh hưởng cao hơn mức trung bình của thế giới. Y học lâm sàng, khoa học và công nghệ nói chung cũng như xây dựng, môi trường và thiết kế là những ngành có tầm ảnh hưởng khoa học quan trọng, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn nhiều so với năng lực chuyên môn hóa ở Việt Nam.

Mặc dù những sáng kiến đáng khích lệ và các nghiên cứu tầm cỡ thế giới đã được thực hiện tại một số viện khoa học, nhưng hiệu quả ứng dụng công nghệ của Việt Nam vẫn còn khá thấp. Chỉ số hiệu quả đổi mới của INSEAD đề cập ở trên cho thấy Việt Nam cần tăng cường khả năng sử dụng và khai thác các kiến thức mới cho các mục đích xã hội và thương mại. Nếu Việt Nam không đẩy mạnh đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phổ biến công nghệ, thì những lợi ích về đổi mới sáng tạo đến từ các thành tựu khoa học và cộng nghệ sẽ chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn.

Liên kết yếu giữa các tổ chức khoa học và doanh nghiệp vẫn là vấn đề cần giải quyết. Chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển kinh doanh chỉ chiếm khoảng 2,8% ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu và đóng vai trò khá khiêm tốn trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ nói chung của Việt Nam. Theo một khảo sát năm 2012 của  Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Ngân hàng Thế giới, chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp tham gia vào hoạt động hợp tác về đổi mới công nghệ với đối tác bên ngoài và chỉ có khoảng 1% hợp tác với các viện nghiên cứu và các trường đại học.

Vì vậy, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có ba việc cần làm ngay và những việc này đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Trước hết, cần tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học, đặc biệt là trong giới trẻ làm việc tại các trường đại học vì họ là động lực của đổi mới. Cải cách tài chính của các trường đại học - trao quyền tự chủ cao hơn và tạo cơ hội để thu hút thêm các nguồn tài trợ nghiên cứu và những nhà khoa học tài năng là những lĩnh vực đổi mới chính sách cấp bách.

Thứ hai, các doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân cần hiểu rằng đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D) là con đường vững chắc để đạt được lợi nhuận cao hơn và phát triển bền vững hơn. Cuối cùng, ngoài chính sách tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, Chính phủ cần đưa ra các chính sách và cơ chế tài chính giúp tăng cường sự hợp tác giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.

Như tôi được tận mắt chứng kiến trong chuyến thăm Viện Công nghệ sinh học, các nhà nghiên cứu của Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng cần phải có những hành động tiếp theo để các loại vi khuẩn cư trú trong ruột của mối có thể thực sự biến xen-lu-lô thành nguồn năng lượng. Đổi mới sáng tạo phải là việc của toàn xã hội.


Api
Api

Welcome