Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ14 Tháng 5 Năm 2024

Xanh hóa Vựa lúa Việt Nam: Câu chuyện thành công ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đôi bàn tay chai sần của chị Lê Đông Phương từ từ mở cống để nước vào ruộng. “Lúa lớn nhanh nhờ nước,” chị nói, với kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều năm trồng lúa.

Chị Phương cũng như nhiều nông dân khác tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bây giờ sử dụng nước hiệu quả hơn sau khi tham gia vào dự án do IDA tài trợ, với mục tiêu sản xuất lúa gạo bền vững, giảm phát thải khí mê-tan, đồng thời tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận cho nông dân. IDA – Hiệp hội Phát triển Quốc tế – là nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Thế giới dành cho các nước có thu nhập thấp.

Tập quán canh tác lúa truyền thống ở ĐBSCL trước đây sử dụng rất nhiều nước trong quá trình tưới tiêu. Tập quán này hiện không còn phù hợp do tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu lên ĐBSCL cùng với việc suy giảm nguồn nước. Ngoài ra, hình thức canh tác truyền thống cũng tiềm ẩn những hậu quả khác, đặc biệt là thải ra nhiều khí mê-tan hơn – đây là loại khí nhà kính làm trái đất nóng lên nhanh hơn 80 lần so với khí CO2 nếu xét trong khoảng thời gian 20 năm. Trồng lúa hiện chiếm 3/4 lượng phát thải khí mê-tan hàng năm của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ngoài khí mê-tan, việc phụ thuộc quá nhiều vào phân bón hóa học và thuốc trừ sâu trong sản xuất đã làm tăng chi phí, gây mất an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Tác động của biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm những thách thức này.

Nhưng quá trình chuyển đổi xanh đang diễn ra. Những nông dân tiên phong ở ĐBSCL bắt đầu chuyển đổi sang hình thức trồng lúa “chất lượng cao, phát thải thấp”, một cách tiếp cận sáng tạo giúp tăng lợi nhuận, giảm khí phát thải và ô nhiễm môi trường.

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) thực hiện trong giai đoạn 2015-2022 đã trang bị cho hàng trăm nghìn nông dân như chị Phương kiến ​​thức và nguồn lực để áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa bền vững. Những kỹ thuật này tập trung vào nâng cao hiệu quả sử dụng nước và giảm tỷ lệ gieo sạ và giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp nhưng không làm giảm năng suất lúa. Và thay vì duy trì ngập nước liên tục trên đồng ruộng, kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ cho phép rút nước trên đồng ruộng một thời gian do rễ cây lúa vẫn còn đủ nước từ đợt ngập ban đầu.

Với những hoài nghi ban đầu, chị Phương và các thành viên khác trong hợp tác xã của chị rất băn khoăn về kỹ thuật mới. “Kỹ thuật này khác với những gì chúng tôi đang làm và những gì thế hệ trước truyền lại. Chúng tôi hay gieo sạ dày vì tin rằng càng nhiều mạ thì năng suất và sản lượng càng cao”.

Phải mất nhiều lần đi thăm các mô hình trình diễn giới thiệu các biện pháp canh tác bền vững, chị Phương mới bị thuyết phục.

Trăm nghe không bằng một thấy,” chị cho biết. “ Gieo sạ thưa vẫn có thể thu hoạch cùng một sản lượng."

Để thay đổi tập quán canh tác của nông dân không chỉ đơn thuần là hướng dẫn họ thực hành  những kỹ thuật mới, mà còn phải xây dựng một hệ thống hỗ trợ toàn diện, bao gồm cơ sở hạ tầng như đường sá, trạm bơm, cũng như đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm của người dân.

Ông Cao Thăng Bình, chủ nhiệm dự án của Ngân hàng Thế giới, giải thích: “Muốn nông dân áp dụng những thực hành này một cách lâu dài thì cần phải giúp họ thấy rõ được những lợi ích về kinh tế”.

Đối với nông dân, điều này có nghĩa là có được nhiều khách hàng sẵn sàng mua gạo chất lượng cao hơn với giá tốt hơn.

Dự án VnSAT giúp kết nối nông dân với các doanh nghiệp nông nghiệp, cải thiện chuỗi cung ứng lúa gạo vốn còn manh mún. Giải pháp này đặc biệt hiệu quả đối với nông dân trồng lúa chất lượng cao, đặc biệt là giống lúa thơm ST25, loại giống đã đoạt giải gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị Thương mại lúa gạo toàn cầu năm 2023 do The Rice Trader tổ chức. Gần một nửa diện tích canh tác trong dự án đã được hỗ trợ ký hợp đồng bao tiêu với nhiều doanh nghiệp, qua đó ổn định đầu ra cho nông dân.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc, Giám đốc Chương trình “Ruộng nhà mình”, một chương trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động nhằm tiếp thị gạo chất lượng cao được sản xuất theo tiêu chuẩn Dự án VnSAT cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được đóng góp một phần vào quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh. Trong bối cảnh ngày nhu cầu gạo bền vững ngày một tăng, chúng tôi rất vui vì có thể thu mua loại gạo này từ các hợp tác xã tham gia dự án. Một nửa lượng gạo của chúng tôi bán ra trong năm 2021 được thu mua từ những hợp tác xã này.”

Các doanh nghiệp nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng gạo an toàn, phát thải thấp và chất lượng cao tại Việt Nam. Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)—thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân – đã và đang làm việc với nhiều doanh nghiệp trong nước như Tập đoàn Tân Long để triển khai các biện pháp canh tác bền vững. Những nỗ lực này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và thất thoát sau thu hoạch.

Người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL cũng được giới thiệu dùng một ứng dụng điện thoại trong canh tác lúa bền vững để nhận các tin nhắn về kỹ thuật khuyến nông phù hợp với địa phương họ. Chức năng ghi nhật ký trong ứng dụng có thể được dùng để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và xác minh tín chỉ các-bon, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các biện pháp sản xuất lúa gạo bền vững và phát thải thấp.

Tập đoàn Tân Long sẽ xây dựng chiến lược sản xuất gạo bền vững nhằm hiện thực hóa mục tiêu từ năm 2032 mỗi năm sẽ cung cấp năm triệu tấn lúa xanh, an toàn và chất lượng cao, chiếm 20% tổng sản lượng lúa của khu vực ĐBSCL theo mô hình liên kết bền vững với nông dân và hợp tác xã trong các vùng nguyên liệu của Tập đoàn”, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long cho biết. Tập đoàn đang hợp tác với IFC để hiện thực hóa mục tiêu này.

Người nông dân đã bắt đầu thấy được các lợi ích kinh tế. Từ năm 2015, qua việc áp dụng canh tác lúa bền vững trên diện tích 185.000 ha,  chi phí đầu vào của nông dân ĐBSCL đã giảm tới 50% và thu nhập trung bình tăng 30%, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 1,5 triệu tấn CO2 tương đương mỗi năm.

Trên cơ sở thành công của dự án, Chính phủ Việt Nam với sự đồng hành của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã công bố Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp đến năm 2030 tại ĐBSCL, hướng đến giảm 10 triệu tấn phát thải CO2 tương đương. Dự kiến đề án này sẽ sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới kết hợp nguồn viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Tài chính các-bon chuyển đổi (TCAF) – một quỹ cung cấp hỗ trợ tài chính các-bon dựa trên kết quả giảm phát thải.

Ông Bình cho biết: “Thật thú vị khi thấy rất nhiều nông dân đón nhận sự thay đổi này. Một khi nông dân thấy được lợi ích thì nhiều khả năng là họ sẽ tiếp tục những kỹ thuật canh tác mới này."

Còn chị Phương thì nhận thấy hàng xóm của mình ngày càng quan tâm tới phương pháp canh tác mới hơn. Chị nói: “Mọi người bắt đầu nhận ra điều gì mang lại thu nhập cao hơn cho họ. Họ đã hỏi thăm phương pháp trồng lúa mới và có thể sẽ thực hành vào vụ tới”.

Blogs

    loader image

TIN MỚI

    loader image