Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ 5 Tháng 6 Năm 2020

Gặp gỡ Nhân vật Tâm huyết Bảo vệ Đại dương ở Việt Nam: Chiến Lê

Image

Chiến Lê là nhà sáng lập Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA, một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam có mục tiêu giải cứu các sinh vật biển và hồi sinh các rạn san hô bị hư hại tại bờ biển miền trung Việt Nam. Sứ mệnh của Chiến là khắc phục các thiệt hại con người đã gây ra và bảo vệ những điều kỳ diệu của đại dương.

Tình yêu với biển của anh xuất phát từ đâu?

Tôi sinh ra ở Hà Nội và tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin. Sau vài năm làm công việc văn phòng, tôi cảm thấy chán nản và quyết định thực hiện một chuyến đi vòng quanh Việt Nam để tìm nguồn cảm hứng. Những tháng ngày rong ruổi trên những bờ biển tuyệt đẹp dọc theo đường cong chữ S của Việt Nam đánh thức trong tôi tình yêu sâu sắc đối với biển cả. Từ bé tôi đã được tìm hiểu về thế giới đại dương kỳ diệu thông qua những cuốn sách ảnh mẹ mua và các chương trình khoa học trên tivi. Tôi không bao giờ cảm thấy nhàm chán khi tìm hiểu về đại dương.

Càng quan tâm nhiều đến hành tinh xanh, tôi càng cảm thấy lo ngại về cách loài người đang xáo trộn và phá hủy một hệ sinh thái cân bằng hoàn hảo. Đó là lý do tại sao tôi chuyển sang làm về lĩnh vực bảo tồn biển. Năm 2009, tôi bắt đầu tham gia một số tổ chức phi chính phủ trong nước và quyết định chuyển đến sống tại thành phố Đà Nẵng xinh đẹp. Tôi may mắn được cộng tác với một số chuyên gia hàng đầu thế giới về rạn san hô và phục hồi môi trường sống ở biển. Kiến thức sâu rộng và sự tận tụy của các chuyên gia đối với công việc bảo vệ đại dương đã truyền cảm hứng cho tôi, khiến tôi mong muốn làm điều tương tự cho đất nước mình.

Image
Chiến Lê đang kiểm tra các rạn san hô bị hư hại dưới đáy biển ở miền Trung Việt Nam. © Ảnh: Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA

 

Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA được thành lập như thế nào?

Tháng 6 năm 2018, khi tôi đang thu thập dữ liệu về các rạn san hô để thực hiện nghiên cứu của mình, tôi đã tình cờ nghe tin báo một chú cá heo bị thương mắc cạn gần bãi biển Mỹ Khê ở Đà Nẵng. Để sơ cứu, chúng tôi đã đưa chú cá heo xuống nước và giữ đầu trên mặt nước để cá có thể thở được. Chúng tôi giữ con cá heo trong tư thế đó suốt 12 giờ cho đến khi đội cứu hộ chuyên nghiệp đến và chuyển tới cơ sở chăm sóc. Chúng tôi đặt tên nó là SASA. Mặc dù tình trạng của SASA đã được cải thiện nhưng vài ngày sau SASA cũng qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo.

Sự cố đáng buồn này khiến tôi suy nghĩ nhiều về thực tế là mặc dù có đường bờ biển dài nhưng Việt Nam chưa có công tác cứu hộ sinh vật biển hiệu quả. Một tháng sau, tôi quyết định thành lập Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SASA để góp phần nhỏ bé cải thiện tình trạng này. Tất cả mọi người tại SASA đều là tình nguyện viên, mọi người dành thời gian, nguồn lực và công sức để duy trì hoạt động của tổ chức. Cả nhóm được kết nối với nhau bởi tình yêu chung với biển cả. Có cả những người bạn nước ngoài bay tới Đà Nẵng để cùng tham gia dự án với chúng tôi.

Sứ mệnh của chúng tôi là truyền cảm hứng để mọi người quan tâm hơn đến thiên nhiên và hành động để bảo vệ nó. Gần đây, chúng tôi đã mở rộng hoạt động của SASA để bổ sung hoạt động khôi phục và bảo vệ rạn san hô ở Bán đảo Sơn Trà. Công việc gồm có làm sạch rạn san hô dọc theo bãi biển, dưới đáy biển và tái tạo rạn san hô. Chúng tôi tìm nhặt các mảnh san hô khỏe mạnh bị vỡ dưới đáy biển sâu, nuôi dưỡng trong các vườn ươm rồi trồng lên các rạn san hô đã chết.

 Vì sao nhóm của anh lại tập trung vào các rạn san hô?

Nếu bạn đã từng nhìn thấy một rạn san hô đung đưa dưới đáy biển, bạn sẽ thấy đó là khung cảnh đẹp nhất trên đời. Cả quần thể sinh vật đó là một sự sống sôi động. Giá trị thực của các rạn san hô – hay còn được gọi là rừng mưa nhiệt đới dưới biển – còn lớn hơn nhiều so với vẻ ngoài tuyệt đẹp của chúng. Các rạn san hô là nơi cư trú của hơn 25% các loài sinh vật biển và là hệ sinh thái của 40% các sinh vật dưới nước. San hô cũng mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho con người nhờ các hoạt động bảo vệ bờ biển, du lịch và môi trường sống cho nghề cá. Nhiều người dân sống dựa vào các rạn san hô để làm kế sinh nhai.

Đáng buồn thay, hoạt động của con người đã đẩy các rạn san hô đến bờ vực. Một nghiên cứu ước tính rằng trong ba thập kỷ qua, thế giới đã mất đi một nửa số san hô, tới năm 2050 con số này sẽ là 90%. Ở Việt Nam tình trạng có thể nghiêm trọng hơn. Hiện nay chỉ có 1% các rạn san hô còn ở trong tình trạng tốt, trong khi hơn 90% đang bị đe dọa nghiêm trọng từ nhiều yếu tố.

Trên thế giới có rất nhiều sáng kiến ​​về bảo tồn và phục hồi san hô. Tuy nhiên, con người chỉ mất một vài giây để phá hủy những gì thiên nhiên phải mất nhiều năm để kiến tạo. Vì vậy, trừ khi hành vi của con người được cải thiện nếu không các nỗ lực bảo tồn và phục hồi sẽ không bao giờ bắt kịp với tốc độ phá hoại. Do đó, một nội dung quan trọng trong dự án của chúng tôi là nâng cao nhận thức cho mọi người. Trong các công việc bảo tồn đang thực hiện, chúng tôi cũng cố gắng giáo dục và lôi kéo sự tham gia của cả người dân địa phương và du khách vào các hoạt động.

Điều gì làm động lực để anh duy trì hoạt động của SASA?

Nhiệm vụ của tôi là khắc phục những thiệt hại mà con người đã gây ra và bảo vệ các kỳ quan của đại dương chúng ta. Tôi nghĩ biển cả cũng có linh hồn. Tôi đã từng giải cứu một con cá heo bị mắc kẹt và khi chúng tôi thả nó xuống biển, nó dường như đã quay lại và vẫy đuôi với chúng tôi. Những khoảnh khắc như vậy là động lực giúp tôi cố gắng cho dù còn nhiều khó khăn.

Đây chắc chắn không phải là công việc dễ dàng. Nhiều hôm tôi phải lặn sáu tiếng liên tục dưới đáy biển sâu 15m mà không có bình oxy để gỡ lưới đánh cá. Đó là thử thách cả về thể chất và tinh thần. Chỉ cần một động tác sai là người thợ lặn có thể bị mắc kẹt, thậm chí là đe dọa tính mạng. Thiết bị để thực hiện công việc này rất đắt tiền và hiện tại chúng tôi chủ yếu vẫn đang hoạt động bằng vốn tự có.


"Sứ mệnh của tôi là khắc phục những thiệt hại mà con người đã gây ra và bảo vệ những điều kỳ diệu của đại dương. Tôi nghĩ biển cả cũng có linh hồn."
Chiến Lê
Nhà sáng lập, Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA

Image

Các thành viên của Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)


Theo anh, đâu là thách thức lớn nhất đối với biển trong năm 2020?

Chắc chắn đó là vấn đề biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết lạ đang diễn ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, làm thay đổi dòng hải lưu, mực nước biển, tăng nhiệt độ, kéo theo tình trạng axit hóa đại dương. Những thay đổi này khiến hệ sinh thái biển liên tục bị ảnh hưởng. Nhóm chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến những tàn phá của biến đổi khí hậu đối với các rạn san hô. Khi mực nước xuống tới mức thấp chưa từng thấy – hiện tượng siêu triều cạn, những rạn san hô ngầm bị phơi ra không khí và có thể dễ dàng bị phá hủy chỉ qua một cơn bão.

Còn nhiều các mối đe dọa khác từ hoạt động đánh bắt cá và du lịch, rồi thảm họa rác thải nhựa trên biển, trong đó nguy hại nhất là Thiết bị câu cá bị bỏ rơi, bị mất hoặc bị loại bỏ (ALDFG), thường được gọi là “lưới ma”. Đây là một cỗ máy giết chóc biết đi, chúng trôi dạt vô định và giữ lại mọi thứ chúng gặp phải. Bạn có biết chúng tôi tìm thấy gì bên trong một tấm lưới ma dưới đáy biển không? Có lần chúng tôi tìm được hàng ngàn con cua chết bị mắc kẹt bên trong. Một lần khác là toàn bộ chuỗi thức ăn dưới biển, tất cả đều đã chết. Nếu đại dương, vốn là nguồn sống của con người, chết đi thì làm sao con người có thể tồn tại?

Nếu anh có chiếc gậy thần kỳ để giải quyết thách thức đại dương đang gặp phải, anh sẽ làm gì?

Tôi sẽ trả lại tất cả những rác thải con người đã xả xuống biển về vị trí ban đầu của chúng.

 Nhân ngày Đại dương Thế giới 2020, anh muốn nhắn nhủ điều gì với mọi người?

Đại dương cần chúng ta. Biển đã rất hào phóng với con người nhưng hãy nhìn lại xem chúng ta đã làm gì với biển? Chúng ta đã quá tham lam, chúng ta lấy đi từ biển tất cả những gì tốt đẹp và trả lại những thứ xấu xa và độc hại. Biển đang chết đi chính là bởi con người. Nhiệm vụ của chúng ta là phải trả lại sự sống cho biển. Bởi chúng ta cũng cần dại dương.


**Quan điểm trong bài viết không thể hiện quan điểm của Nhóm Ngân hàng Thế giới và các cán bộ Ngân hàng Thế giới.



Api
Api