Đà Nẵng – “Tại sao lại cứ phải chuẩn bị ứng phó với thiên tai? Cô muốn thiên tai đến à?” Bà Trần Thị Dương, chủ tịch Hội phụ nữ xã Duy Phú tại Quảng Nam, một tỉnh miền Trung Việt Nam nhớ lại một số người đã nói như vậy khi bà đề cập vấn đề này với họ. “Ngay trong đêm đó một trận lũ quét qua. Gia đình một chị trong Hội phụ nữ bị lũ quét, cả nhà chìm trong bùn đất, nhà thì sập. Sau sự kiện đó người dân thấy cần phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai,” bà Dương nhớ lại.
Bà Dương là một trong nhiều đại diện của hơn 100 xã tại các tỉnh miền Trung Việt Nam, vừa gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm về các hoạt động quản lý rủi ro thiên tại tại cộng đồng. “Khi nước sông Thu Bồn tràn về, cả làng tôi bị chìm trong nước,” bà Hồ Thị Phượng, một người dân xã Duy Tân, tỉnh Quảng Nam cho biết. “Không kể hai năm gần đây, trước đây năm nào cũng bị lũ.”
Việt Nam là một trong những nước bị thiên tai nhiều nhất, gồm có lũ lụt, bão, hạn hán, và sạt lở đất. Trong vòng hai thập kỷ qua thiên tai đã cướp đi sinh mạng của trên 13.000 người, và gây thiệt hại vật chất trên 6,4 tỉ USD. Khu vực miền Trung là khu vực bị ảnh hưởng nhất. Khoảng 65% số cơn bão vào Việt Nam xảy ra tại khu vực này. Trong khi đó đây lại là nơi có tỉ lệ nghèo cao hơn mức trung bình cả nước. Chỉ trong năm 2010 lũ lụt đã tàn phá 350.000 ngôi nhà, cắt đứt giao thông liên lạc, hệ thống tưới tiêu, đường dây điện.
Chính phủ Việt Nam có khả năng thực hiện hiệu quả công tác cứu trợ khẩn cấp và phục hồi sau thảm hoạ, nhưng các trận bão, lụt, hạn hán liên tiếp diễn ra đã gây khó khăn cho tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. Chính vì vậy, cần quan tâm chú ý hơn nữa tới công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong khuôn khổ Dự án Quản lý Thiên tai trị giá 150 triệu USD, Chính phủ Việt Nam đang sử dụng 18,5 triệu USD nhằm hỗ trợ công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa trên cộng đồng tại 100 xã thuộc 10 tỉnh miền Trung. Quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án được hỗ trợ kỹ thuật bởi Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ và Phục hồi Thảm họa (GFDRR) nhằm tích hợp những phương pháp tốt nhất trên toàn cầu về quản lý rủi ro thiên tai.
Cách tiếp cận ở đây rất đặc biệt, dựa trên quan điểm cho rằng cộng đồng là nơi hiểu rõ nhất cách sống chung với thiên tai. Theo cách này, người ta sẽ tận dụng kinh nghiệm và kiến thức của người dân, những kinh nghiệm đã chứng tỏ hiệu quả trong việc giảm nhẹ tổn thất do thiên tai gây ra. “Chương trình Quản lý Rủi ro Thiên tai dựa trên Cộng đồng khởi động năm 2009, đã và đang hỗ trợ người dân tại các cộng đồng giảm nhẹ tác động tiêu cực do thiên tai gây ra”, ông Văn Phú Chính, Cục trưởng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn nói. “Ở những nơi mà người dân tích cực tham gia phòng chống thiên tai thì thiệt hại được giảm nhẹ đáng kể.”
Dự án hợp tác với chính quyền và cộng đồng địa phương giúp người dân nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó thiên tai thông qua các hoạt động văn hoá giáo dục tại cộng đồng và trường học, hội thảo, tập huấn và đầu tư vào các công trình nhỏ. Theo phương pháp dựa trên cộng đồng, người dân lựa chọn các công trình đầu tư có thể giúp họ ứng phó hiệu quả nhất với thiên tai. Người dân cũng tham gia giám sát thi công, vận hành và bảo dưỡng các công trình này. Bằng cách đó tinh thần làm chủ tại địa phương đã được nâng cao.
“Ngoài các công trình nhỏ ra ta còn phải nhắc đến một bộ phận quan trọng nữa của dự án, đó là nâng cao ý thức người dân,” ông Phan Xuân Hải, Giám đốc ban Quản lý Dự án tỉnh Bình Định nói. “Làm như vậy để giúp người dân và chính quyền địa phương biết rõ phải làm gì khi xảy ra thiên tai; hiện nay tất cả các xã đều có một kế hoạch sẵn sàng ứng phó thiên tai.”
Giai đoạn 1 dự án đã tập huấn cho trên 10.600 người trong khu vực dự án, tập trung vào các nhóm đối tượng khó khăn trong đó có phụ nữ và trẻ em. Đã thực hiện 14 đợt diễn tập ứng phó thảm hoạ với sự tham gia của 2.500 người, và tất cả các xã đều đã có kế hoạch sẵn sàng ứng phó. Hợp phần xây dựng công trình nhỏ và cấp nhà trú bão sắp hoàn thành. “Tôi cho rằng thành công nhất trong dự án này là các xã đã tự xây dựng được kế hoạch phòng chống của mình,” ông Nguyễn Minh Tuấn, tư vấn về quản lý rủi ro thiên tai cho biết. “Kế hoạch đó cũng có thể áp dụng được cho hộ gia đình, trong đó liệt kê những việc cần làm, ví dụ các nhu yếu phẩm và công cụ cần tích trữ, mỗi người trong gia đình phải làm gì khi thảm hoạ xảy ra.”