Thành phố Hồ Chí Minh - Năm 1886, chàng trai điếc Nguyễn Văn Trường (còn được gọi là Jacques Cam) trở về thành phố bây giờ là thành phố Hồ Chí Minh sau sáu năm học tại trường Rodez dành cho người điếc ở Pháp. Anh đã nhận công việc trợ giảng tại trường Lái Thiêu dành cho người điếc, trường đầu tiên dành cho người điếc tại Việt Nam, nơi anh đã dạy ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ em điếc.
Năm 2014, trẻ em điếc tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Giáo dục Hòa nhập cho Người khuyết tật (CSDIEPD) của thành phố Hồ Chí Minh không chỉ học ngôn ngữ ký hiệu. Các em được dạy cách hiểu thế giới xung quanh và cách diễn tả bản thân để người khác có thể hiểu mình.
Trung tâm này, cùng với năm trung tâm khác tại thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Bình và Hà Nội, đang thử nghiệm một phương pháp mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của trẻ điếc lứa tuổi mầm non. Các “nhóm hỗ trợ gia đình”, gồm một cố vấn điếc, một thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu và một giáo viên dạy nghe, làm việc với trẻ em tại nhà cùng với gia đình của các em.
Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc CSPIEPD thành phố Hồ Chí Minh, "Mô hình này là một cách thức mới để giúp các em. Chúng tôi từng cung cấp dịch vụ hỗ trợ tại trung tâm, nhưng cơ sở vật chất của chúng tôi còn hạn chế. Bây giờ, chúng tôi đang hỗ trợ 150 em tại trung tâm và 170 em khác tại gia đình."
Bé Nguyễn Thị Khánh Linh, 4 tuổi, thích các giáo viên tới nhà cô bé. “Thầy giáo tới nhà dạy em làm ký hiệu. Hôm nay em đã học về các loại trái cây và màu sắc. Thầy cũng dạy anh Tú, ông em, bố em và cả những người khác trong gia đình em nữa.” Cả Linh và Tú đều bị điếc bẩm sinh.
Được triển khai trong khuôn khổ dự án “Giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường” do Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản tài trợ, Ngân hàng Thế giới quản lý và Tổ chức Quan tâm Thế giới thực hiện, mô hình này có ba đặc điểm chính:
• Việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu làm phương thức giao tiếp chính giúp trẻ điếc kết nối với gia đình và với thế giới bên ngoài;
• Những giáo viên điếc trở thành hình mẫu, người ủng hộ và người giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu, vì họ là “người trong cuộc” thấu hiểu việc lớn lên bị điếc; và
• Gia đình tham gia vào quá trình học tập và phát triển của trẻ.
Mô hình gắn kết người điếc trưởng thành, trẻ em điếc và gia đình với nhau. Phương pháp tiếp cận “gia đình làm trung tâm, thân thiện với người học" góp phần cải thiện môi trường giao tiếp, giúp trẻ điếc nhận thức đầy đủ tiềm năng của mình.
Chị Đinh Võ Kim Ly, mẹ của bé Hồ Võ Tường Vi, một bé gái bốn tuổi bị mất thính lực chia sẻ: "Sau hai tháng tham gia chương trình, con gái của tôi bây giờ có thể giao tiếp rất nhiều với tôi. Bây giờ bé biết nhiều từ và nói cho tôi tên của các loại trái cây khác nhau khi bé ra ngoài chơi. Bé còn có thể đếm."