Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ

Việt Nam: Phụ nữ và khát vọng lãnh đạo trong công việc và tại gia đình

7 Tháng 3 Năm 2014


Image

Bốn nữ lãnh đạo tham gia thảo luận trực tuyến về các thách thức và  giải pháp để tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ ở Việt Nam. Từ trái sang phải: Giám đốc Công ty TalentPool, bà Đỗ Thùy Dương; Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Trưởng đại diện của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, bà Shoko Ishikawa, và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa.

 

Vũ Lan Hương/Ngân hàng Thế giới

Các nét chính của bài viết
  • Phụ nữ Việt Nam đang nỗ lực để cân bằng giữa công việc và gia đình.
  • Toàn xã hội cần khích lệ và tạo điều kiện giúp phụ nữ thăng tiến.
  • Bản thân phụ nữ cũng cần chia sẻ trách nhiệm để cân bằng giữa công việc và gia đình.

Hà Nội, ngày 7/3/2014 – Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về bình đẳng giới, nhưng phụ nữ vẫn còn thua thiệt so với nam, nhất là trên lĩnh vực lãnh đạo chính trị và kinh tế. Chỉ có ¼ đại biểu Quốc Hội là nữ; và phụ nữ cũng chiếm thiểu số trong các cơ quan lãnh đạo Đảng. Và ngay cả khi phụ nữ đóng vai trò tích cực trong nền kinh tế thì các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo cũng có số nhân viên ít hơn và tạo ít doanh thu hơn so với các doanh nghiệp do nam lãnh đạo.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy bình đẳng giới sẽ mang lại lợi ích cho tất cả trong sự nghiệp phát triển và trong kinh doanh, và hoàn toàn có thể thay đổi hiện trạng để phụ nữ có thể nắm giữ nhiều chức vụ lãnh đạo hơn. Ngày 6/3, hai ngày trước Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức buổi thảo luận trực tuyến với bốn nữ lãnh đạo về các thách thức và giải pháp để tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ.

Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Trưởng đại diện của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, bà Shoko Ishikawa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, và Giám đốc Công ty TalentPool, bà Đỗ Thùy Dương, đã tham gia thảo luận và trả lời hàng chục câu hỏi từ bạn đọc.

Việc gia đình: Trách nhiệm chung

Câu hỏi được nhiều độc giả quan tâm nhất là làm sao cân đối giữa công việc tại cơ quan và gia đình, và làm sao phá bỏ được thành kiến việc nội trợ là của phái nữ.

Là người đứng đầu tổ chức lớn nhất Việt Nam về phát huy quyền phụ nữ, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng chính phủ cần có chính sách hỗ trợ phụ nữ và phụ nữ cũng cần tích cực làm chủ cuộc sống riêng của mình.

“Mọi người cần nhận thức rằng công việc gia đình là việc chung của tất cả các thành viên chứ không phải riêng của phụ nữ”, bà Thanh Hòa nói. “Bản thân phụ nữ cũng cần biết cách huy động chồng con tham gia các công việc gia đình.”

Bà Shoko Ishikawa cho rằng nhiều người có quan điểm phụ nữ phải lo công việc gia đình. “Chúng ta cần thay đổi quan điểm đó và khuyến khích phụ nữ thực hiện vai trò lãnh đạo trong đời sống chính trị, kinh doanh và trong xã hội.” bà Ishikawa nói.

Bà cũng nói rằng ta nên quan tâm tới việc thể hiện vấn đề này trong nhà trường và trên phương tiện thông tin đại chúng như thế nào: “Chúng ta cần nêu bật và nhấn mạnh những gương điển hình và hình ảnh tích cực của các lãnh đạo nữ, và nhấn mạnh vai trò lãnh đạo nữ trong các lĩnh vực phi truyền thống như lãnh đạo doanh nghiệp, nhà khoa học, kiến trúc sư để có thể thay đổi quan niệm về những công việc mà phụ nữ có thể đảm nhận.”


" Chúng ta cần nêu bật và nhấn mạnh những gương điển hình và hình ảnh tích cực của các lãnh đạo nữ, và nhấn mạnh vai trò lãnh đạo nữ trong các lĩnh vực phi truyền thống như lãnh đạo doanh nghiệp, nhà khoa học, kiến trúc sư để có thể thay đổi quan niệm về những công việc mà phụ nữ có thể đảm nhận. "

Shoko Ishikawa

Trưởng đại diện của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam

Cần khích lệ và hợp tác với đồng nghiệp nam

Bà Đỗ Thùy Dương, phụ nữ duy nhất đại diện giới doanh nghiệp trong số khách mời tham gia buổi thảo luận và là phụ nữ có 3 con, chia sẻ kinh nghiệm bản thân về công tác lãnh đạo doanh nghiệp. Đối với bà, thách thức lớn nhất là đặt ra những mục tiêu kinh doanh hài hòa với bối cảnh xung quanh.

“Có một chút thách thức khi nhân sự dưới quyền là những người đàn ông giỏi giang, mạnh mẽ”, bà Dương nói. “Như vậy tôi chỉ có thể truyền cảm hứng và kêu gọi sự hợp tác từ phía họ.”

Bà cũng cho biết nhóm khách hàng trọng điểm của bà chủ yếu là những người có cùng quan điểm về kinh doanh và cuộc sống.

Và điểm cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng và bà cố gắng thu xếp công việc gia đình, dành thời gian cuối tuần đi chợ mua thực phẩm và chơi với con cái.

“Bọn trẻ tương đối độc lập. Bạn lớn đã có thể giúp tôi nấu cơm và rửa bát. Bạn bé đã biết tự tắm”, bà Dương nói. “Vì vậy chúng tôi có thể dành được phần lớn thời gian còn lại để chia sẻ và trò chuyện cùng nhau.”

Thêm nhiều cơ hội bình đẳng cho phụ nữ

Trả lời câu hỏi về chương trình thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trong các doanh nghiệp tư nhân bà Ishikawa cho rằng các doanh nghiệp cần đối thoại với nữ nhân viên để hiểu được những khó khăn của họ. Phụ nữ cần một số biện pháp hỗ trợ, ví dụ địa điểm gửi trẻ gần chỗ làm việc, đi lại an toàn từ nhà đến cơ quan, và kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Nhấn mạnh lại quan điểm được nêu trong blog mới của mình, bà Victoria Kwakwa khẳng định rằng cha mẹ và thầy cô giáo đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các em học sinh, cả nam lẫn nữ, phấn đấu trở thành các lãnh đạo tiềm năng. Phụ nữ cần được trao các cơ hội bình đẳng như nam giới tại nơi làm việc. Tại Việt Nam, phụ nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới (55 so với 60) đã rút ngắn thời gian phụ nữ thu thập kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn để đảm nhận các vị trí cao hơn.

“Doanh nghiệp, chính phủ và khu vực công cần có các hành động thiết thực”, bà Kwakwa nói. “Cần có các chính sách và cơ chế tạo cơ hội và khuyến khích tăng quyền cho phụ nữ.”

Theo bà, cần khuyến khích vai trò lãnh đạo của phụ nữ ngay từ dưới, ví dụ tại nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng, để phụ nữ có thể trở thành lãnh đạo ở cấp quốc gia.

“Phụ nữ có thể vừa là một người vợ tốt, một người mẹ tốt và một lãnh đạo giỏi,” bà Kwakwa nói khi trả lời câu hỏi về thông điệp cho ngày Quốc tế Phụ nữ. “Chúng ta cần ý thức được về tiềm năng của mình và nắm lấy cơ hội và tạo ra nhiều cơ hội khác để chị em thành công. Nam giới cũng đóng vai trò quan trọng. Họ cần chia sẻ thêm công việc nội trợ với phụ nữ, vào nấu nướng nhiều hơn, chăm sóc con cái nhiều hơn để vợ có nhiều cơ hội thực hiện công việc của mình.”



Api
Api

Welcome