PHÓNG SỰ

Dự án Thủy điện Trung Sơn tại Việt Nam: Mong ước giản dị về cuộc sống tốt đẹp hơn

23 Tháng 12 Năm 2013


Image

Xem slideshow ảnh: Người dân địa phương ở khu vực dự án Thủy điện Trung Sơn sẽ có đường giao thông tốt, được hỗ trợ kỹ thuật và tập huấn tại chỗ để cải thiện sinh kế.


Các nét chính của bài viết
  • Dự án thủy điện Trung Sơn dự kiến sẽ cung cấp điện giá rẻ và sạch đồng thời đảm bảo tính về vững về môi trường và xã hội.
  • Một kế hoạch phát triển sinh kế cộng đồng đang được thực hiện nhằm giúp người dân trong vùng cải thiện sinh kế và tăng thu nhập.
  • Đây là kế hoạch nằm trong một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cải thiện điều kiện sống và mang lại cơ hội việc làm cho người dân trong vùng dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Chị Lò Thị Vân không giống những phụ nữ bình thường khác. Từ nhiều năm nay chị đã là một hội viên năng nổ trong hội phụ nữ thôn Tà Bán. Chị cũng đã xây dựng một trang trại tuy nhỏ nhưng ấn tượng để nuôi lợn và nhím, trồng mía và ngô để nuôi gia đình năm người của chị. Tà Bán thuộc xã Trung sơn, Thanh hóa, cách Hà Nội khoảng 180 km. Đây là một bản miền núi xa xôi không có đường giao thông thuận tiện. Bản có tỉ lệ hộ nghèo cao và nguồn thu nhập rất hạn chế.

“Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đôi khi, bản bị cô lập vì mưa to và đường lầy lội. Chúng tôi muốn có điều kiện sống tốt hơn và có nước sạch. Chúng tôi muốn  là trẻ em  được đi học và thanh niên có việc làm,” chị Vân chia sẻ.

Dự án Trung Sơn sẽ giúp bổ sung thêm 260MW sản lượng sản xuất điện năng sạch cho Việt Nam để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng. Một yếu tố quan trọng của dự án là giúp cải thiện điều kiện sống và mở ra cơ hội việc làm và kết nối giao thông cho người dân trong khu vực dự án.

Để lấy chỗ xây hồ chứa nước rộng 13 km2 cho đập thủy điện trên sông Mã, chị Lò Thị Vân và khoảng 2.000 người sẽ được di chuyển lên vùng đất cao hơn. Địa điểm mới sẽ có đường giao thông, có nước sạch và điện đến từng hộ dân, có  nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng học, và trung tâm y tế.

Nói về ngôi nhà tương lai của mình, chị Vân chia sẻ: “Mong ước của tôi rất giản dị - Tôi hy vọng là cuối cùng sẽ có một con đường tốt  để tôi có thể mang  nông sản thu hoạch từ vườn nhà ra chợ bán.”


" Mong ước của tôi rất giản dị - Tôi hy vọng là cuối cùng sẽ có một con đường tốt để tôi có thể mang nông sản thu hoạch từ vườn nhà ra chợ bán. "
Image

Lò Thị Vân

Người dân, Tà Bán, Trung Sơn, Thanh Hóa

Tạo nhiều việc làm với chất lượng tốt hơn cho người dân địa phương

Tà Bán là một trong 5 bản đầu tiên thực hiện thí điểm Kế hoạch Cải thiện Sinh kế Cộng đồng, còn gọi là CLIP, được dự án tài trợ trong vùng dự án. Các chương trình cải thiện sinh kế nhằm mang lại cho cộng đồng một sự khởi đầu mới để chuẩn bị cho cuộc sống ở địa điểm mới bằng cách xây dựng kỹ năng và hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi, khởi sự và điều hành kinh doanh nhỏ, cung cấp đào tạo nghề và các dịch vụ phi nông nghiệp khác như tăng cường kết nối với thị trường. 

CLIP là một chương trình hỗ trợ cộng đồng dành cho tất cả các hộ gia đình trong các thôn bản thuộc khu vực dự án. Các gia đình tham gia chương trình này trên cơ sở tự nguyện. Cho tới nay, 56 hộ đã tham gia thí điểm trồng trọt, 219 hộ tham gia chăn nuôi và 87 hộ tham gia các hoạt động phi nông nghiệp. 

Chị Vân, từng có nhiều kinh nghiệm kinh doanh, nay cũng tham gia CLIP và quyết định chăn nuôi lợn lai. “Tôi tin mình sẽ làm được”, chị nói. “Có đất, có tre để làm chuồng, có ngô cho lợn ăn và chăn nuôi giống này lại ngắn ngày. Nhưng tất cả chúng tôi đều cần học cách chăn nuôi”.

Tham gia CLIP, người dân sẽ được đào tạo tại chỗ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và thú y.

Kế hoạch CLIP cấp thôn bản chỉ là một trong nhiều hoạt động của dự án thủy điện Trung Sơn. Mục tiêu phát triển của dự án được kết nối với mục tiêu cấp điện với giá rẻ, ổn định, thân thiện với môi trường,  bền vững về mặt xã hội, đồng thời tạo nhiều cơ hội cho người dân trong khu vực dự án như chị Vân và gia đình chị.



Api
Api

Welcome