PHÓNG SỰ

Việt Nam: Tham gia nhóm sản xuất – con đường thoát nghèo

12 Tháng 11 Năm 2013



Các nét chính của bài viết
  • Nông dân ở Việt Nam hình thành hơn 6.000 nhóm đồng sở thích để sản xuất nông sản với sự hỗ trợ từ một dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ.
  • Dự án cũng cải tạo 3.800 km đường và xây dựng 1.500 mét cầu để tăng khả năng tiếp cận thị trường cho nông dân.
  • Từ khi tham gia các nhóm đồng sở thích, thu nhập của người nông dân đã tăng đáng kể.

Vợ chồng chị Lò Thị Tiếp, 28 tuổi, có 2 đứa con hiện đang ở trong căn nhà tranh vách đất ở xã Búng Lao – tỉnh Điện Biên, Việt Nam. Tại ngôi làng với 100% dân số là người Thái, tỷ lệ nghèo của xã là 70%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 14,2 % của cả nước.

Gia đình chị Tiếp chỉ có một mảnh ruộng nhỏ. Hàng ngày, chị đi làm đồng từ tờ mờ sáng nhưng năng suất lúa vẫn thấp do thiếu nước tưới. Để có tiền mua gạo vào lúc giáp hạt, chị Tiếp làm thêm ở một trang trại cà phê còn chồng chị đi phụ hồ. Mặc dù rất vất vả nhưng gia đình chị cũng chỉ có thể kiếm được trên dưới 800.000  đồng/tháng.

Nhưng từ năm 2012, cuộc sống gia đình chị đã cải thiện đáng kể với thu nhập thêm nhờ tham gia nhóm phụ nữ nuôi lợn trong xã.

Chị Tiếp chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống của gia đình mình rất khó khăn. Nhờ nuôi lợn, giờ nhà mình có thêm tiền mua quần áo cho các con và cho chúng đi học.”

Để giúp các chị em trong nhóm của chị Tiếp nuôi lợn, một dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ đã hỗ trợ mỗi thành viên trong nhóm 2 con lợn con với một phần thức ăn công nghiệp và tổ chức tập huấn về vệ sinh chuồng trại, cho ăn và phòng bệnh cho lợn. Dự án Giảm nghèo các tỉnh Miền núi phía Bắc giai đoạn hai đặt mục tiêu nhằm hỗ trợ người nghèo nông thôn và các cộng đồng dân tộc thiểu số tại những khu vực nghèo và kém phát triển nhất tại vùng tây bắc Việt Nam

Chị Tiếp mát tay nuôi lợn nhất trong nhóm. Với 2 chú lợn con lúc bắt đầu, chỉ sau một năm đàn lợn của chị Tiếp giờ đã có năm “con lợn đẹp” (theo lời chị). Dự tính sau năm tháng, đàn lợn có thể mang lại thu nhập khoảng 12 triệu đồng cho gia đình, cao hơn ba lần mức thu nhập trước khi chị tham gia nhóm.

Chị hãnh diện thổ lộ trong lúc cho lợn ăn: “Mình rất tự hào với đàn lợn của mình. Chúng rất khỏe mạnh, đẹp đẽ và lớn rất nhanh.”

Hàng tháng, chị Tiếp và các thành viên khác của nhóm đều họp mặt, thăm nom đàn lợn của các hộ và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Các hộ cũng dán thông báo bán lợn tại những nơi thương lái thường đi qua. Bên cạnh đó, họ cũng thảo luận và thống nhất với nhau để các thành viên không bán dưới giá thị trường.


" Trước đây, cuộc sống của gia đình mình rất khó khăn. Nhờ nuôi lợn, giờ nhà mình có thêm tiền mua quần áo cho các con và cho chúng đi học. "
Image

Lò Thị Tiếp

Nông dân, Tỉnh Điện Biên

Thu nhập gia đình tăng lên tám lần

Giống nhóm của chị Tiếp, người dân trong huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cũng đang gặt hái lợi ích từ việc làm ăn theo nhóm. Khi nhận ra tiềm năng của cây ớt, họ quyết định thành lập nhóm để tăng sản lượng thu hoạch và bán sản phẩm có lời hơn.

Cùng tham gia dự án, mỗi hộ được hỗ trợ đủ giống và phân bón để trồng 2.000 m2 ớt. Các thành viên tham gia còn được tập huấn về cắt tỉa cây cũng như các kỹ thuật khác để tăng năng suất cây ớt.

Tháng 7 năm 2012, họ đã bắt đầu vụ đầu tiên và sáu tháng sau, mỗi hộ tham gia đã thu lợi 30 đến 40 triệu đồng từ cây ớt. So với thu nhập từ ngô trên cùng thửa đất đó, thu nhập cho hộ gia đình đã tăng lên gần tám lần.

Chị Thào Thị Liên, người vừa mới tham gia nhóm cho biết: “Tôi biết nhiều hộ nghèo nợ nần chồng chất đã có thể trả được nợ nhờ lãi từ cây ớt. Cây ớt chịu bệnh tốt hơn… và giá cũng ổn định.”

Nhờ tham gia vào nhóm, người nông dân đã chủ động được giá bán, hiện giờ, họ đã ký hợp đồng với Hợp tác xã Kinh doanh Tổng hợp Mường Khương để sản xuất và bán tương ớt ra các tỉnh khác.

Kết nối người nông dân với thị trường

Nhóm nuôi lợn và trồng ớt chỉ là hai trong số hơn 6.000 nhóm hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trên 6 tỉnh ở vùng tây bắc của Việt Nam được hỗ trợ của dự án. Hơn 50.000 hộ nghèo có thể được hưởng lợi nhờ cải thiện được năng suất và thu nhập.

Nhằm cải thiện điều kiện kinh doannh và tiếp cận thị trường cho người dân ở các vùng xa xôi, dự án đã hỗ trợ phục hồi và nâng cấp khoảng 3.800 km đường nhánh và xây dựng được gần 1.500 m cầu, cùng với các loại cơ sở hạ tầng khác.

Giống các hộ khác trong nhóm, chị Tiếp tự tin khẳng định đàn lợn của chị là nguồn tiết kiệm tốt nhất và sẽ giúp biến ước mơ của chị thành hiện thực.

“Mình sẽ tăng đàn lên 10 con,” chị Tiếp chia sẻ. “Khi đó mình sẽ có đủ tiền để xây nhà mới và gia đình mình có thể thoát nghèo.”


TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN

Api
Api

Welcome