Ông Lương Kim Tiến chưa bao giờ hạnh phúc hơn khi làm việc trên trang trại thanh long của mình tại tỉnh Bình Thuận, Việt Nam.
Trước kia, ông Tiến chỉ biết trồng cây mà không có kế hoạch cụ thể nên rất khó để mở rộng sản xuất. Từ khi tham gia tổ hợp tác nông dân liên minh với công ty Rau quả Bình Thuận, ông Tiến đã theo sát quy trình sản xuất mới, mang lại kết quả rất khả quan.
“Sản lượng của vườn tăng khoảng 30% và chất lượng trái thanh long cũng được cải thiện,” ông Tiến chia sẻ khi đang làm việc trong khu trang trại với 1.300 trụ thanh long của mình.
Dự án Nông nghiệp Cạnh tranh ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ đã và đang thúc đẩy các quan hệ hợp tác như vậy. Tham gia dự án, mỗi nông dân nhận được khoảng 2.000 đô la Mỹ để mua máy móc và vật tư nông nghiệp như hệ thống tưới nước hiện đại và đèn compact để áp dụng các phương pháp sản xuất mới.
Chuyên gia nông nghiệp của công ty thường xuyên tới thăm vườn và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất và phòng chống sâu bệnh. Bên cạnh đó, hàng trăm nông dân đã được tham gia các khóa tập huấn về kỹ năng đàm phán, giao tiếp, lập kế hoạch và quản lý.
“Với các kỹ năng mới này, chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận hai bên cùng có lợi khi thương thảo hợp đồng với công ty,” ông Phạm Hữu Trường, tổ trưởng tổ hợp tác Hàm Liên 1, Bình Thuận chia sẻ.
Trước khi tham gia liên minh, nông dân thường thay đổi từ loại cây trồng này sang loại khác – từ gạo sang rau rồi sang hoa quả - bất cứ mặt hàng nào đang được giá cao tại thời điểm bắt đầu trồng cây. Tuy nhiên, với các làm này, người nông dân có rủi ro cao bị mất lợi nhuận nếu hàng hóa mất giá vào mùa thu hoạch.
Để bảo vệ người nông dân khỏi những biến động giá cả bất ngờ và các rủi ro khác ảnh hưởng tới mùa vụ, nông dân và doanh nghiệp đã ký hợp đồng quy định giá cả và sản lượng cung ứng từ trước khi bắt tay vào sản xuất.