Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ

Đường của tôi, trách nhiệm của tôi – Hỗ trợ phụ nữ bảo trì đường nông thôn

7 Tháng 3 Năm 2013


Image

Phụ nữ tham gia bảo trì đường nông thôn không những tăng tính sở hữu của cộng đồng với tài sản chung, mà còn tạo thu nhập thêm cho cộng đồng, và làm cho đường bền vững hơn. Xem slideshow

The World Bank

Các nét chính của bài viết
  • Phụ nữ được đào tạo và sau đó trả công để bảo trì đường nông thôn thường xuyên.
  • Phụ nữ có thu nhập thêm, cộng đồng và chính quyền tiết kiệm được chi phí.
  • Đường bền hơn, đi đến trường và chợ dễ hơn.

Sùng Dí, hơn 20 tuổi, để con ở nhà đi họp thôn với hơn 50 chị em khác. Hôm nay, cuộc họp không phải về nuôi con, nấu ăn hay giá cả lương thực ngoài chợ.

Những chị em dân tộc H’Mông, xã Cao Sơn, tỉnh Lào Cai ở miền núi phía bắc Việt Nam hôm nay đi họp về một vấn đề của nam giới – bảo trì đường giao thông nông thôn trong xã.

Mới gần đây thôi, ở xã này, truyền thống văn hóa vẫn xác định vai trò của người phụ nữ là ở trong nhà.

Định kiến này – là một phần của truyền thống rằng phụ nữ chỉ nên trông con và nội trợ - cũng rất phổ biến ở nhiều dân tộc thiểu số khác của Việt Nam, trong đó có người Kua ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, miền trung Việt Nam. Phụ nữ cũng ít khi đi xa, một phần vì định kiến này, một phần nữa vì đường nông thôn nói chung là xấu và ít xe có thể đi được.

“Đi lại khó khăn lắm vì đường xấu. Trẻ con đi học cũng khó khăn, người già đi trạm xá không được, còn tôi khó đi chợ. Nói chung là ở trong nhà thôi.” Bà Hồ Thị Thanh, người dân tộc Kua ở thôn Thượng, huyện Minh Hóa thổ lộ.

Một dự án do Ngân hàng Thế giới và Bộ Phát triển Quốc tế Anh tài trợ đã giúp phụ nữ “ra khỏi nhà” và quan trọng hơn, khỏi những định kiến cũ. Bên cạnh đó, Dự án cũng đã cung cấp thêm nguồn thu nhập cho họ. Trong Dự án Giao Thông Nông thôn, những phụ nữ tham gia được hỗ trợ để bảo trì đường nông thôn, công việc thường cho nam giới hoặc các nhà thầu với chi phí cao. 


" Việc này tôi làm suốt, ở vườn, ở ruộng. Tôi làm những việc này cho đường làng được, vì cũng là đường của tôi. "

Ma Thi Xa


Lợi ích cho tất cả

“Việc này rất phù hợp với chiến dịch 3 sạch của chúng tôi: sạch nhà, sạch phố, sạch đường” theo bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Quảng Bình. “Tôi kêu gọi chị em phụ nữ và các cộng đồng cũng tham gia bảo trì đường nông thôn với chúng tôi.”

Dự án đào tạo những kĩ năng cơ bản về bảo trì đường nông thôn. “Chúng tôi dạy cách khơi thông cống rãnh, tỉa cây cối che khuất tầm nhìn, vá ổ gà, và dạy một số kiến thức cơ bản về đường nông thôn.” ông Dương Ngọc Cảnh, giảng viên của Sở Giao thông Quảng Bình cho biết.   

“Bảo trì đơn giản đường nông thôn cũng quan trọng như bảo dưỡng xe máy. Nếu ta không vặn chặt con ốc lỏng, có thể hỏng cả xe” ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Ban quản lý Dự án Giao thông Nông thôn tỉnh Quảng Bình nói. “Chúng ta cần làm việc này thường xuyên và không ai làm tốt hơn là chính những người sống cạnh con đường và nhận ra ngay nếu có vấn đề gì xảy ra với đường. Bảo trì thường xuyên làm cho đường bền hơn.”

Về kinh tế, bên cạnh việc phụ nữ được hưởng thu nhập từ việc bảo trì đường thương xuyên, thì chính quyền cũng có lợi. Trước kia, họ phải thuê những nhà thầu với giá cao, vì nhà thầu phải huy động con người và máy móc từ thành phố đến các vùng sâu vùng xa để bảo trì.

Tính làm chủ tăng lên

Hội phụ nữ địa phương đã lập các tổ tự quản để thực hiện việc bảo trì đường thường xuyên. Chị em từ nhiều tầng lớp xã hội cùng tham gia vì họ hiểu tầm quan trọng của đường giao thông tới cộng đồng và cho chính họ.

Bà Ma Thị Xá, 60 tuổi, cùng làng với chị Dí cho rằng kể cả người lớn tuổi như bà cũng làm được những việc này. “Việc này tôi làm suốt, ở vườn, ở ruộng. Tôi làm những việc này cho đường làng được, vì cũng là đường của tôi.”

“Đường của tôi.” Quan niệm này là một thành công lớn với dự án nhỏ này – giờ mọi người đã có nhận thức về tính làm chủ con đường, và chăm sóc nó cũng như họ chăm sóc ngôi nhà nơi họ ở.

Còn với Sùng Dí, ngày đi họp cũng như ngày hội. Chị mặc bộ quần áo đẹp nhất, vì chị cho rằng “như thế thì  con tôi được đi đường tốt hơn đến trường, và tôi đi chợ bán hàng cũng dễ hơn và nhanh hơn.” 



Api
Api

Welcome