Ngày 5 tháng 4 năm 2012 - Đến được văn phòng mỗi ngày là một cuộc vật lộn đối với chị Nguyễn Phương Thúy, 28 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội. Len lỏi qua những con phố chật chội trên chiếc xe máy của mình, chị Thúy luôn cảm thấy gần như kiệt sức sau hành trình tới công sở dài hơn 40 phút.
“Đường tắc, còi xe, khói bụi làm tôi mệt mỏi vô cùng,” chị Thúy than thở, “Dân thì tăng quá nhanh thì đường phố không phát triển theo kịp.” Chị ngán ngẩm nhìn thành phố càng ngày càng có nhiều ô tô với nỗi lo lắng rằng đường phố ngày lại càng tắc thêm. Chị cho biết gia đình chị chẳng dám nghĩ đến việc mua ô tô vì đi lại sẽ càng mất thời gian hơn mà lại phải lo chuyện tìm chỗ đỗ xe trong trung tâm thành phố.
Báo cáo Đánh giá Đô thị hóa tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện cũng chia sẻ quan điểm của chị Thúy rằng đường phố ở Hà Nội cũng như ở TP Hồ Chí Minh không thể tải được thêm xe gắn máy và ô tô. Báo cáo này nghiên cứu hiện thực của quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam và cho thấy các thành phố lớn ở nước ta không có một hệ thống giao thông tốt. Do vậy, việc sử dụng ô tô gia tăng nhanh chóng có thể đưa đến tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn, nhất là với tỉ lệ đường/dân số thấp như hiện nay ở 2 thành phố lớn nhất này, vì 1 chiếc ô tô cần tới 4 lần diện tích đường so với 1 chiếc xe máy.
Báo cáo Đánh giá Đô thị hóa tại Việt Nam cũng cho thấy đất nước ta đang phát triển nhanh chóng ở giai đoạn đầu của quá trình đô thị hóa. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của dân số đô thị là 3,4% - nhanh nhất tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hai thành phố này cũng tập trung các ngành công nghiệp chính và chèo lái quá trình phát triển kinh tế của cả nước. TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ góp hơn nửa sản lượng, trong khi các ngành sản xuất có giá trị cao lại phát triển mạnh hơn ở Hà nội và Đồng bằng Sông Hồng.
Quá trình đô thị hóa mang lại nhiều lợi ích và không nước nào có thể đạt mức thu nhập cao mà không đô thị hóa trước tiên. Trong thực tế hầu hết các nước đều phải đô thị hóa ít nhất là 50% trước khi đạt mức thu nhập trung bình. Tại Việt Nam, quá trình Đổi Mới tạo ra những chuyển biến về kinh tế, với đô thị hóa củng cố mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế. Đô thị hóa mang lại sự tăng trưởng này trong vòng chưa đầy 30 năm, nhưng nó cũng mang lại nhiều nhức nhối như chất lượng không khí thấp, tắc nghẽn giao thông, và giá đất tăng ngoài khả năng chi trả của người dân.
Trong khi đó, chị Thúy cũng không thể đi xe buýt vì thường quá đông mà bến xe lại cách quá xa nhà chị. Việc đi lại bằng xe máy của chị Thúy cũng như nhiều người dân đô thị khác đặt ra nhiều vấn đề cho kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông công cộng của thành phố. Trong khi Ngân hàng Thế giới cho rằng xe gắn máy chỉ là một giải pháp tạm thời cho nhu cầu giao thông đô thị, Báo cáo này nhấn mạnh kế hoạch phát triển giao thông công cộng cần phải đi trước quá trình chuyển giao từ xe máy sang ô tô. Đồng thời, công cuộc phát triển giao thông đô thị này cũng phải được liên kết chặt chẽ với việc quy hoạch sử dụng đất.
Chị Thúy cũng đã cân nhắc chuyển vào gần trung tâm hơn, nhưng cũng không phải dễ. Báo cáo Đánh giá Đô thị hóa nhận thấy là nhìn chung, Chính phủ đã cung cấp những dịch vụ cơ bản ở một mức độ khá tốt, và nhu cầu về nhà ở phần nào cũng được đáp ứng, biểu hiện ở sự vắng bóng của các khu ổ chuột. Tuy nhiên càng ngày người dân như chị Thúy càng khó tìm nhà ở và Báo cáo cho thấy chỉ khoảng 5% dân số có khả năng mua với giá mà các nhà đầu tư xây dựng nhà đang rao tại Hà Nội và TP HCM.
Theo ông Dean Cira, Chuyên gia trưởng về Phát triển Đô thị của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, “Giải quyết nhu cầu nhà ở giá chấp nhận được đang trở nên một trọng tâm của Chính phủ.”
Chị Thúy lắc đầu nhìn những khu nhà cao tầng đang mọc lên trong thành phố mà tặc lưỡi, “Với mức lương hiện nay, phải mất 60 năm may ra tôi mới mua được 1 căn nhà bình thường trong thành phố.” Với tình trạng đó, Ngân hàng Thế giới cho rằng, công tác quản lý đất và thị trường nhà ở được coi là tối quan trọng trong việc “giúp nền kinh tế các thành phố này họat động hiệu quả và công bằng.”
Trong bối cảnh các khu đô thị đang đau đầu với các trở ngại đó, Báo cáo Đánh giá Đô thị hóa tại Việt Nam ủng hộ việc áp dụng các phương pháp tiếp cận hiệu quả đối với công tác quy hoạch và phát triển để có thể giải quyết chính xác các nhu cầu của thị trường. Báo cáo cũng kêu gọi sự liên kết và phối hợp trong hệ thống quy hoạch giữa các bên liên quan.
“Tôi thật sự mong rằng những người làm quy hoạch sẽ tìm ra cách giúp người dân thường cũng có thể mua được nhà ở,” Thúy tâm sự, lòng đầy hy vọng một ngày nào đó chị, cũng như 26 triệu người dân đô thị tại Việt Nam, sẽ được hưởng các lợi ích mà quá trình đô thị hóa mang đến.