Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ

34 Đề án được trao giải thưởng Chương trình Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011

18 Tháng 8 Năm 2011


Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2011 - Hôm nay, Chương trình Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 (VACI) đã tổ chức lễ trao giải thưởng nhằm tôn vinh các sáng kiến cộng đồng nhằm góp phần giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch, mang tới môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người.

Đến tham gia và trao giải có ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh Tra Chính Phủ và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hang Thế giới tại Việt nam.

Chủ đề của VACI 2011 là “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả”.

Chương trình do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức với sự tài trợ của Cơ quan phát triển Úc, Sứ quán Canada, Sứ quán Đan mạch, Bộ Phát triển Quốc tế Vương Quốc Anh, Sứ quán Phần Lan, đã được công bố vào ngày 9/12/2010.

Ban tổ chức chương trình đã nhận được 160 đề án tham gia với nhiều ý tưởng, từ các thành phần xã hội khác nhau, bao gồm các tổ chức đoàn thể, xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các trường ĐH, các công ty tư nhân và các cơ quan phòng chống tham nhũng địa phương.

Các dự án tập trung vào việc phòng chống tham nhũng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế, giáo dục, thủ tục hành chính, tuyển dụng, trong các dân tộc thiểu số, khuyết tật, với nhiều giải pháp, từ thông tin tuyên truyền, minh bach hóa thông tin, các giải pháp tin học, tự động hóa cho đến sử dụng các loại hình nghệ thuật, v.v. đã mang đến một bức tranh sinh động về khả năng của cộng đồng trong các công tác xã hội.

Sự tham gia đông đảo của người dân và các tầng lớp trong xã hội vào cuộc thi này cho thấy nhận thức của người dân về vấn đề này đã được nâng cao, và người dân ngày càng chú ý hơn đến vấn đề tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và giảm tham nhũng của các cơ quan công quyền và dịch vụ công.

Ban giám khảo năm nay là đại diện của nhiều cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, các nhà tài trợ và giới truyền thông. Họ đánh giá các dự án theo các tiêu chí: đóng góp cho chủ đề của chương trình, tính sáng tạo, tính khả thi, tính bền vững, và tính sở hữu và tham gia của cộng đồng. 

Ban giám khảo sơ khảo và chung khảo đã làm việc hết mình, với sự nhiệt tình và tính chuyên nghiệp cao để chọn ra 34 đề án sáng tạo nhất, khả thi nhất, bền vững nhất và đóng góp cho việc giảm tham nhũng.

Đây là những đề án xuất sắc nhất trong số 60 đề án được vào vòng chung kết. Mỗi đề án thắng cuộc được nhận tối đa 290 triệu đồng giải thưởng, và khoản tiền này sẽ dành để thực hiện chính ý tưởng đó tại địa phương của Đề án. Tổng giá trị giải thưởng được trao năm nay lên đến 9,2 tỉ đồng.

Diễn đàn tri thức cũng là nơi chia sẻ nhiều kinh nghiệm và kiến thức pháp luật về phòng chống tham nhũng, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của một số trường hợp điển hình đã được công nhận về phòng chống tham nhũng tại địa phương, cũng như làm thế nào để tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác giám sát các dịch vụ công.

Chương trình VACI được thiết kế dựa trên thành công của chương trình Ngày Sáng tạo Việt Nam 2009 với cùng chủ đề. Dự kiến chương trình VACI sẽ được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức 2 năm một lần, lần tiếp theo vào năm 2013.

Thông tin cơ bản về chương trình VACI 2011

Chương trình Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 (VACI) hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch, mang tới môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người. Chương trình do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức với sự hỗ trợ của nhiều nhà đồng tài trợ.

Chủ đề của VACI 2011 là “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả”.

VACI xác định và hỗ trợ trực tiếp các ý tưởng sáng tạo có tiềm năng phát triển ở cấp địa phương, qua đó nhằm tiếp tục nhân rộng trong cộng đồng. Chương trình cũng tạo cơ hội cho các chủ sáng kiến gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, chia sẻ thông tin và kết nối với những người có cùng mối quan tâm.

Chương trình bao gồm hai phần chính:

Cuộc thi Sáng tạo – là cuộc thi công khai có Ban Giám khảo chấm điểm. Tại cuộc thi này, kinh phí thực hiện đề án sẽ được trao cho những đề án xuất sắc nhất và sáng tạo nhất, đáp ứng các yêu cầu về nội dung, đối tượng, hình thức chương trình đề ra và có tính khả thi cao, nhằm tăng cường liêm chính công và hiệu lực thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
Trao đổi Kiến thức – là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức pháp luật về phòng chống tham nhũng cũng như kinh nghiệm về chủ đề tăng cường liêm chính công và hiệu lực thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng có hiệu quả, tập trung vào các nội dung như xây dựng nền hành chính phục vụ, tăng cường đạo đức công vụ, quyền tiếp cận thông tin, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật.

Tăng cường liêm chính công với trọng tâm là tăng cường minh bạch, trách nhiệm, đạo đức trong hoạt động hành chính công đang là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng được Chính phủ Việt Nam tập trung đẩy mạnh thực hiện. Khung pháp lý về phòng chống tham nhũng hiện nay bao gồm các văn bản pháp luật chính sau: Luật Phòng, chống tham nhũng đã được sửa đổi, bổ sung và các quy định và hướng dẫn thực hiện, Nghị định Dân chủ cơ sở, Luật Khiếu nại tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Bên cạnh đó, Luật Cán bộ, công chức (mới) có hiệu lực từ 01/01/2010 cũng đưa ra những nguyên tắc cơ bản của một nền hành chính công lành mạnh, cởi mở và minh bạch.

Hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam nhìn chung được đánh giá là khá đầy đủ, đảm bảo tối đa các quyền, lợi ích thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, việc áp dụng và thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật trên thực tế, đặc biệt là ở một số địa phương, cơ sở, còn là một vấn đề cần giải quyết. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, việc tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật là rất cần thiết.

Trong khuôn khổ của Chương trình, Đề án dự thi cần tập trung, nhưng không hạn chế, vào các chủ đề sau:

(1) Xây dựng một nền hành chính phục vụ;
(2) Tăng cường liêm chính công và đạo đức công vụ;
(3) Nâng cao tính minh bạch và quyền tiếp cận thông tin;
(4) Nâng cao hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật.

Api
Api

Welcome