Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ

Nâng cao năng lực thế chế về kiểm soát ô nhiễm nước ở Việt Nam

5 Tháng 8 Năm 2010


Tháng 8/2010 - Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể và liên tục để kiểm soát ô nhiễm, hiện trạng môi trường ở Việt Nam vẫn tiếp tục suy thoái, đặc biệt là nguồn nước.

Kể từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm củng cố việc kiểm soát ô nhiễm nước. Đó là các Nghị định 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước, Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (sau đây gọi tắt là Nghị định 67), Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (sau đây gọi tắt là Quyết định 64), v.v. Trong số các văn bản pháp luật này, Nghị định 67 và Quyết định 64 đóng vai trò quan trọng nhất về kiểm soát ô nhiễm nước.

Dự án của Ngân hàng Thế giới về “Nâng cao năng lực thể chế về kiểm soát ô nhiễm nước ở Việt Nam” bắt đầu triển khai từ cuối năm 2006 và kết thúc vào tháng 8/2009. Dự án cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để củng cố khung pháp lý về kiểm soát ô nhiễm nước và hiệu quả của việc thực hiện các văn bản pháp luật bằng cách:

  • Cải thiện các công cụ thực hiện Nghị định 67 và Quyết định 64;
  • Củng cố năng lực cho các cơ quan chủ chốt về thực thi pháp luật, giám sát và đánh giá;
  • Nâng cao nhận thức của công chúng và cải thiện sự tham gia của công chúng;
  • Hỗ trợ khu vực kinh doanh thực thi pháp luật môi trường.

Dự án được tài trợ 300.000 USD thông qua Quỹ Phát triển thể chế (IDF) của Ngân hàng Thế giới. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan nhận tài trợ. Dự án có mã số P099405, là sự tiếp nối với một dự án trước cũng được tài trợ của IDF và nhiều dự án quốc tế khác với trọng tâm là quản lý thông tin môi trường và sử dụng việc công khai hóa thông tin như một công cụ hỗ trợ để nâng cao hiệu quả kiểm soát ô nhiễm nước. Tài liệu dự án có thể tải xuống từ trang web của Ngân hàng Thế giới

Trên cở sở thực tế và kết quả từ các hoạt động của dự án và hệ thống báo cáo, tháng 3/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Bộ Tài chính công văn số 1417/BTNMT-TC đề nghị sửa đổi Nghị định 67 và Nghị định 04/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 67 và các công cụ pháp luật kèm theo các nghị định này. Đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được xem xét và tổng hợp khi cập nhật các văn bản pháp luật nói trên. Việc thực hiện Quyết định 64, các đề xuất của dự án đã được Văn phòng 64 thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận nhằm cập nhật danh sách các doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Năng lực thực thi pháp luật, giám sát và đánh giá các công cụ pháp luật này của các cơ quan chủ chốt đã được củng cố thông qua các cuộc hội thảo tham vấn, các khóa đào tạo và các hội thảo nhân rộng hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ dự án. Được thụ hưởng từ các hoạt động này là 20 nhà quản lý và cán bộ môi trường từ cơ quan quản lý môi trường cấp trung ương và từ 48 trong số 63 Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, 40 nhà báo trung ương và địa phương, 64 nhà quản lý môi trường và doanh nghiệp, 276 đại diện của tỉnh, huyện, cộng đồng.

Chương trình công bố thông tin cho cộng đồng được xúc tiến thông qua việc xây dựng trang web của dự án và hệ thống phân hạng được đăng tải trên trang web. Theo thiết kế, hệ thống phân hạng và cơ sở dữ liệu giám sát việc thu phí nước thải sẽ là công cụ kết nối các cơ quan môi trường ở mọi cấp, các doanh nghiệp và cộng đồng nhằm cải thiện nhận thức và khuyến khích họ tham gia tích cực vào việc giám sát bảo vệ môi trường và đảm bảo tuân thủ triệt để các qui định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là nước thải.

Nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp phương tiện kỹ thuật để tuân thủ pháp luật môi trường, dự án đã phát hành 4 hướng dẫn kỹ thuật (về thực hiện sản xuất sạch hơn, tiếp cận nguồn tài chính, qui trình tự quan trắc và phương pháp tự phân hạng). Các tài liệu này có thể tải từ trang web nói trên của dự án hoặc trang web sau của Ngân hàng Thế giới. Trên 1.900 bản đã được Tổng cục Môi trường chính thức phân phát kèm theo công văn đến 63 Sở Tài Nguyên và Môi trường các tỉnh và 26 Ban Quản lý các khu công nghiệp ở 22 tỉnh để khuyến khích các doanh nghiệp trong cả nước áp dụng. Đặc biệt, 10 doanh nghiệp được chọn tham gia chương trình thí điểm của dự án ở Bắc Ninh và Quảng Nam còn được hướng dẫn trực tiếp và hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện sản xuất sạch hơn, tự quan trắc, tự phân hạng và được cấp phát một số thiết bị quan trắc cơ bản (như dụng cụ phân tích, thiết bị bảo hộ lao động) để tự quan trắc tại doanh nghiệp. Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ 2 doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ xin vay vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Theo nguồn tin của Tổng cục Môi trường, hai hồ sơ này sẽ được xem xét tích cực.

Các hoạt động của dự án đã hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện việc quản lý và giám sát hoạt động kiểm soát ô nhiễm và thực hiện bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, cải thiện hệ thống giám sát và chia sẻ thông tin sẽ góp phần đáng kể giúp các cơ quan quản lý môi trường nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động tuân thủ pháp luật môi trường tại các doanh nghiệp. Việc xả nước thải trái phép ra môi trường cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Báo cáo hoàn thành dự án được đăng tải trên trang web của Ngân hàng Thế giới.

Bản tin này do Trần Thị Thanh Phương viết với sự hỗ trợ của Lê Thanh Hương Giang dựa trên Báo cáo Hoàn thành Dự án.

Api
Api

Welcome