Lực lượng lao động gồm 50 triệu người của Việt Nam đang là nền tảng làm nên thành công cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Quá trình chuyển đổi sang dịch vụ, chế tạo/chế biến, cùng với năng suất lao động ấn tượng và mức lương tăng dẫn tới tỉ lệ nghèo giảm nhanh và tăng trưởng kinh tế gây ấn tượng mạnh trên toàn cầu trong mấy thập kỷ qua.
Những xu hướng lớn tạo ra những đột phá mới sẽ ảnh hưởng đến tình hình việc làm của Việt Nam. Sự thay đổi của các những xu hướng mậu dịch, tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến việc Việt Nam có thể xuất khẩu những mặt hàng nào và những chuỗi giá trị nào Việt Nam có thể tham gia. Sự phát triển của các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao đòi hỏi những hệ kỹ năng, quy trình sản xuất, mô hình xuất khẩu mới. Già hóa dân số sẽ đòi hỏi phải có những dịch vụ chăm sóc được cung cấp bởi một nhóm dân số trong độ tuổi lao động đang giảm dần. Tự động hóa sẽ thay thế một số việc làm và con người, cũng như làm thay đổi tính chất của những việc làm, lao động khác.
Cơ cấu việc làm hiện nay của Việt Nam chưa thuận lợi để thích ứng với những xu hướng lớn. Những nhà máy khang trang của nước ngoài trả lương công nhân cao hơn mức lương tối thiểu nhiều nhất cũng chỉ tạo được 2,2 triệu việc làm. Doanh nghiệp trong nước có đăng ký kinh doanh cung cấp không quá 6 triệu việc làm nữa. Trong khi đó vẫn có tới 30 triệu việc làm nằm ở các hộ nông nghiệp hay hộ kinh doanh cá thể. 8 triệu lao động nữa là những người làm công việc hưởng lương không có hợp đồng. Nhìn chung, những việc làm này đều được đặc trưng bởi năng suất thấp, thu nhập thấp và ít chế độ bảo trợ lao động.
Chủ động cải cách nhằm tận dụng những cơ hội mang lại từ những xu hướng lớn mới xuất hiện sẽ có thể đem lại những việc làm có năng suất, mức lương và chất lượng cao hơn. Nếu Việt Nam tiếp tục con đường phát triển như hiện nay thì bức tranh việc làm tương lai sẽ không khác nhiều, dù sẽ có một số trường hợp cá biệt. Thực hiện cải cách đồng bộ trong 3 lĩnh vực dưới đây sẽ tạo nền tảng để có được một bức tranh việc làm tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người.
- Lĩnh vực cải cách 1: tạo thêm những “việc làm tốt” trong nền kinh tế hiện đại. Những việc làm tốt nhất, được xác định bằng năng suất lao động, mức lương, phúc lợi xã hội cao, là những việc làm hưởng lương có hợp đồng lao động. Đó cũng là những việc làm bao phủ tới các đối tượng phụ nữ và thanh niên. Dù đây cũng là những nhóm việc làm có tốc độ gia tăng nhanh nhất ở Việt Nam, nhưng nếu thực hiện 3 nhóm chính sách sau thì sẽ tạo tiềm năng gia tăng việc làm nhiều hơn: (i) Giảm rào cản để thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, (ii) thúc đẩy sự chuyển dịch sang những công đoạn tri thức của các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, (iii) phát triển hệ thống nông nghiệp – lương thực của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước và quốc tế.
- Lĩnh vực cải cách 2: nâng cao chất lượng của các việc làm hiện có trong nền kinh tế truyền thống. Hộ nông nghiệp và hộ kinh doanh sẽ tiếp tục là một phần cấu thành của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm tới. Đây là những nguồn chính tạo việc làm cho các đối tượng người dân tộc thiểu số, người cao tuổi và lao động trình độ thấp. Báo cáo đề xuất 2 nhóm chính sách sau: (i) hỗ trợ các hộ nông nghiệp quy mô nhỏ chuyển hướng sang các loại cây trồng và chuỗi giá trị trong nước có giá trị cao, (ii) tổ chức các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ kinh doanh để kết nối với khối DNVVN trong nước.
- Lĩnh vực cải cách 3: kết nối người lao động có trình độ với những việc làm phù hợp. Thanh niên Việt Nam dù được quốc tế công nhận là có thành tích học tập ngang bằng với thanh niên ở Châu Âu, nhưng vẫn có tới 85% lực lượng lao động Việt Nam chỉ có trình độ học vấn không quá bậc trung học. Tình trạng thiếu kỹ năng sẽ còn gia tăng khi các xu hướng lớn bắt đầu có ảnh hưởng đến bức tranh việc làm. Các đối tượng học sinh, sinh viên và người lao động sẽ phải đối mặt với những khoảng trống về thông tin và các rào cản tài chính, xã hội, làm hạn chế khả năng thích ứng với những việc làm tốt. Báo cáo đề xuất 3 chính sách sau: (i) nâng cao kỹ năng để thích ứng với việc làm của thế kỷ 21 bằng cách cải cách triệt để hệ thống giáo dục, đào tạo, (ii) tạo ra và cung cấp thông tin để bố trí đúng người, đúng việc, (iii) cung cấp các dịch vụ bổ trợ để tạo thuận lợi để tham gia lao động và dịch chuyển lao động. Chiến lược để tạo việc làm tốt cần đồng bộ với các mục tiêu lớn về kinh tế, xã hội của Việt Nam. Nếu có kế hoạch đồng bộ, có sự quản lý tốt để đầu tư một cách có chiến lược hơn vào doanh nghiệp, nông trại và người lao động thì sẽ có thể tạo ra những việc làm tốt hơn, bao phủ hơn để Việt Nam vươn lên đạt được những thành tựu kinh tế xã hội hơn nữa.
Vietnam's future jobs: leveraging mega-trends for greater prosperity. Download overview | Two pages summary. Download | Vietnam's future jobs: role of the private sector. Download | Vietnam’s future jobs: the gender dimension. Download |