Skip to Main Navigation
publication20 Tháng 11 Năm 2024

Việt Nam 2045 Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới thay đổi

Tải báo cáo

BẢN ĐẦY ĐỦ (TIẾNG ANH) | BẢN ĐẦY ĐỦ (TIẾNG VIỆT)

Làm thế nào Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045? Tuy được coi là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất nhờ thương mại toàn cầu trong ba thập kỷ qua, nhưng tốc độ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hiện tại của Việt Nam chưa đủ để đạt được mục tiêu đó, vì để đạt mục tiêu đó, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người phải tăng trên ba lần trong hai mươi năm tới. Cải cách cơ cấu và tăng cường đầu tư là điều kiện cần để chuyển đổi sang nền sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao hơn, nhằm thúc đẩy đất nước vươn lên. Báo cáo Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới thay đổi nhằm tìm hiểu cách thức Việt Nam chèo lái trong vô số biến động thương mại toàn cầu để nâng cao vị thế tham gia trong các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), tiến tới tăng trưởng bền vững và tạo việc làm chất lượng cao, để trở thành nền kinh tế thu nhập cao.

 

Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ thương mại toàn cầu nhiều hơn hầu hết các quốc gia

Image
Nguồn: Tính toán của cán bộ Ngân hàng Thế giới dựa trên WDI, OECD, UNCTAD, Ngân sách Các-bon Toàn cầu. Ghi chú: Đơn vị trong mỗi bảng được biểu thị trong dấu ngoặc đơn. Tổng xuất khẩu là tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ năm 2021. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đo lường năm 2022. Việc làm trong xuất khẩu là tỷ trọng việc làm trong nước đóng góp cho cầu nước ngoài cuối cùng, bao gồm việc làm trực tiếp và gián tiếp. Giá trị gia tăng trong nước của hàng xuất khẩu là giá trị gia tăng xuất khẩu được tạo ra ở nền kinh tế trong nước (trực tiếp trong lĩnh vực xuất khẩu) hoặc gián tiếp, theo đo lường năm 2020. Khí thải CO2 liên quan đến xuất khẩu là tỷ trọng khí thải CO2 trong tổng xuất khẩu trừ khí thải CO2 trong tổng nhập khẩu, là tỷ trọng tổng lượng khí CO2 phát thải của sản xuất, đo lường năm 2021.

 

Các gói cải cách chính sách chiến lược

Năm gói cải cách chính sách liên quan với nhau dưới đây được cho là cần thiết để Việt Nam nâng cao vị thế tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC):

1. Tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại

Các chính sách thương mại của Việt Nam đã đem lại thành quả, bao gồm tự do hóa thuế quan mạnh mẽ, hình thành được mạng lưới các hiệp định thương mại rộng khắp, bao phủ đến gần 90% GDP toàn cầu. Mặc dù vậy, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng và thị trường tiêu dùng đang trỗi dậy ở châu Á mang đến nhiều rủi ro và cơ hội lớn, Việt Nam cần ưu tiên theo đuổi hội nhập thương mại khu vực và đa biên, đồng thời cần tăng cường chiều sâu những hiệp định hiện có. Các hành động chính bao gồm:

  • Không chỉ cắt giảm thuế quan mà còn phải xử lý các rào cản phi thuế quan
  • Tự do hóa thương mại dịch vụ và tăng cường hội nhập khu vực
  • Khai thác thị trường của tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh ở châu Á
  • Đóng vai trò chủ động nhằm định hình các khuôn khổ thương mại khu vực và toàn cầu
  • Tăng cường chiều sâu các cam kết về thương mại số, hài hòa các tiêu chuẩn, và kết nối.

 

Chiến lược tham gia hiệp định thương mại tự do của Việt Nam vẫn chú trọng bề rộng hơn là chiều sâu

Image
Nguồn: Ngân hàng Thế giới sử dụng DESTA, BCG. Ghi chú: Sử dụng và chiều sâu của HĐTMTD được đo dựa trên thang điểm từ 0 đến 10, trong đó 10 nghĩa là khả năng sử dụng hoăc chiều sâu lớn nhất tính theo phương pháp luận của Dur và đồng sự (2012) và BCG (2024). Tự do hóa hàng hóa dược tính điểm dựa trên mức thuế quan gia quyền hiệu quả trong số hàng hóa nhập khẩu và đối tác HĐTMTD. Tự do hóa dịch vụ được tính điểm dựa trên số lượng các loại dịch vụ được quy định trong các HĐTMTD. Bề rộng là chỉ tiêu về các điều khoản phi thương mại được đưa vào (quyền sở hữu trí tuệ, lưu lượng đầu tư, v.v.). Khả năng thực thi hiệu lực được đo lường dựa trên thế mạnh của các cơ chế giải quyết tranh chấp.

 

2. Kết nối các chuỗi giá trị trong nước

Các doanh nghiệp nước ngoài đóng góp cho tăng trưởng thương mại của Việt Nam mở mức chi phối, lên đến 73% kim ngạch xuất khẩu. Mức độ tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu (GVC) giảm từ 35% xuống còn 18% trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2023. Kết quả là, Việt Nam chỉ thu được được một phần nhỏ giá trị của kim ngạch xuất khẩu. Ở thời điểm này, Việt Nam phải chú trọng kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp theo định hướng xuất khẩu, nhằm củng cố nền kinh tế trong nước. Những hành động chính bao gồm:

  • Cải thiện môi trường kinh doanh qua giảm chi phí thủ tục hành chính và chuyển đổi số
  • Triển khai các cơ chế toàn diện về tài chính chuỗi cung ứng
  • Thiết lập chương trình phát triển nhà cung cấp

 

Hầu hết các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam chưa được kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC)

Image
Nguồn: Tính toán của cán bộ Ngân hàng Thế giới dựa trên khảo sát doanh nghiệp. Một doanh nghiệp được cho là có liên kết với các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) là doanh nghiệp có ít nhất một trong những đặc điểm sau: có trên 10% vốn nước ngoài, sử dụng công nghệ cấp phép của nước ngoài, tham gia xuất khẩu (10% doanh số trở lên), tham gia nhập khẩu. Nhập khẩu chỉ tính cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chế tạo chế biến. Quy mô doanh nghiệp được xác định theo các tiêu chí được sử dụng trong dữ liệu khảo sát doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WBES), gồm nhỏ (5-19 lao động), vừa (20-99 lao động), và lớn (100+ lao động).

 

3. Nâng cao vị thế theo hướng tham gia các hoạt động đem lại giá trị cao

Mô hình xuất khẩu hiện tại của Việt Nam chủ yếu tập trung ở khâu lắp ráp cuối. Dịch vụ chỉ chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ 7% kim ngạch xuất khẩu hàng chế tạo chế biến. Ngược lại, dịch vụ đóng góp ít nhất gấp đôi cho kim ngạch xuất khẩu ở các quốc gia như Hàn Quốc. Giai đoạn tiếp theo đòi hỏi phải tập trung hướng đến các hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao hơn, dịch vụ. Các hành động chính bao gồm:

  • Xóa bỏ rào cản thương mại dịch vụ, bao gồm khả năng tiếp cận vốn
  • Hợp lý hóa quy định về lưu chuyển dữ liệu
  • Tăng cường bảo vệ sở hữu tài sản trí tuệ
  • Giảm mức độ chi phối của doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực dịch vụ quan trọng như năng lượng, tài chính và viễn thông.

 

Xuất khẩu dịch vụ ở Việt Nam còn hạn chế

Image

 

4. Hình thành lực lượng lao động kỹ năng cao

Việt Nam dựa vào lao động có kỹ năng thấp làm động lực tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), nhưng điều này đang trở thành một hạn chế lớn. Mặc dù cách làm đó giúp tăng thu nhập cho lao động có kỹ năng thấp (như công nhân lắp ráp khâu cuối, nhân viên vận hành máy, công nhân cắt và làm sạch ngành dệt), nhưng lại làm giảm động lực nâng cao kỹ năng. Kết quả là chỉ có 5% lực lượng lao động trong các lĩnh vực chế tạo chế biến hiện nay được cho là có tay nghề cao và chỉ có 10% dân số có bằng cử nhân. Nhu cầu ngày càng lớn về lao động có kỹ năng, nhất là trong các lĩnh vực chế tạo chế biến thâm dụng công nghệ, là dấu hiệu về tình trạng thiếu hụt kỹ năng gia tăng. Để đẩy mạnh tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), Việt Nam cần ưu tiên nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, đồng thời cải thiện hệ thống đào tạo và nghiên cứu. Các hành động chính bao gồm:

  • Phát triển lực lượng lao động trong các lĩnh vực chế tạo chế biến đòi hỏi kỹ năng cao
  • Nâng cao số lao động có trình độ sau phổ thông
  • Đầu tư về hệ thống nghiên cứu và giáo dục STEM
  • Tăng cường hợp tác giữa đại học - doanh nghiệp

 

Tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong các lĩnh vực chế tạo chế biến thâm dụng công nghệ khiến cho mức lương trội ngày càng cao hơn

Image
Nguồn: Tính toán của cán bộ Ngân hàng Thế giới dựa trên khảo sát lực lượng lao động (TFS). Ghi chú: Mức lương trội được đo bằng tỷ lệ thu nhập bình quân tháng trong ngành của người có trình độ từ đại học trở lên so với người có trình độ trung học phổ thông trong cùng ngành. Chế tạo chế biến công nghệ cao thể hiện mức lương trội bình quân theo phân loại ISIC cấp độ 4: Hóa chất, dược phẩm, máy tính, điện tử, quang học và thiết bị điện.

 

5. Chuyển đổi sang nền sản xuất giảm thải các-bon và đảm bảo khả năng chống chịu

Tăng trưởng trong công nghiệp chế tạo chế biến và xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khí thải các-bon. Lượng khí thải CO2 trong sản xuất công nghiệp chế tạo chế biến tăng cao gấp ba lần tốc độ tăng trưởng GDP trong ba thập kỷ qua. Các hoạt động xuất khẩu tạo ra một phần ba tổng lượng khí thải của Việt Nam, cao hơn các quốc gia trong khu vực. Trong điều kiện hàng hóa môi trường chỉ chiếm 2% kim ngạch xuất khẩu - thuộc dạng thấp nhất ASEAN - Việt Nam rất cần chuyển đổi sang nền sản xuất sạch hơn để vừa đáp ứng các cam kết về khí hậu, vừa duy trì được năng lực cạnh tranh toàn cầu, trong bối cảnh nhu cầu về sản phẩm giảm thải các-bon đang gia tăng. Năng lực ngành công nghiệp chế tạo chế biến của Việt Nam cũng tập trung nhiều ở các địa bàn có nguy cơ với thiên tai cũng như rủi ro biến đổi khí hậu. Các hành động chính bao gồm:

  • Hạ thấp rào cản phi thuế quan với hàng hóa môi trường
  • Đầu tư cho hạ tầng năng lượng xanh
  • Triển khai cải cách giá điện và định giá các-bon kết hợp với hỗ trợ có mục tiêu trong quá trình chuyển đổi
  • Nâng cao khả năng chống chịu với các cú sốc khí hậu ở các địa bàn chế tạo chế biến xuất khẩu.

 

Nền sản xuất xuất khẩu hàm lượng các-bon cao có nhiều nguy cơ với rủi ro khí hậu

 

Image

 

Các chính sách nhằm đảm bảo cơ hội được phân bố rộng rãi. Để chuyển đổi sang nền kinh tế thu nhập cao theo hướng bao trùm và công bằng, Việt Nam cần tập trung tạo thuận lợi đảm bảo khả năng dịch chuyển của người lao động, sao cho họ có thể khai thác các cơ hội việc làm mới, đồng thời xóa bỏ những hạn chế trong việc tiếp thu kỹ năng của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thông qua cải thiện về cung cấp thông tin, hỗ trợ tài chính và đào tạo nghề. Mạng lưới an sinh xã hội được tăng cường cũng sẽ hỗ trợ người lao động trong những việc làm đòi hỏi kỹ năng thấp chịu ảnh hưởng bất lợi trong quá trình nâng cao vị thế tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Các hành động chính bao gồm:

  • Nâng cao khả năng dịch chuyển của lao động và đẩy mạnh cải cách đăng ký cư trú theo hộ khẩu;
  • Cải thiện khả năng tiếp cận với đào tạo nghề và thông tin việc làm cho người không có việc làm
  • Hỗ trợ cho những lao động có kỹ năng thấp và những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
  • Có cơ chế khuyến khích trẻ em nghèo tiếp thu và trau dồi kỹ năng.

 

Thành công trước đây của Việt Nam có được là nhờ công cuộc cải cách mạnh mẽ - từ những cải cách thời kỳ Đổi mới vào cuối thập kỷ 1980 cho đến khi gia nhập WTO vào đầu những năm 2000 – qua đó chứng tỏ quốc gia có khả năng chuyển đổi. Để trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải quán triệt tinh thần cải cách mạnh mẽ, với năm gói chính sách nêu trên. Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng hành động quyết liệt và triển khai hiệu quả là cách để tạo điều kiện cho Việt Nam giải phóng triệt để tiềm năng kinh tế của quốc gia nhằm có được một tương lai thịnh vượng.

 

Tổng hợp các khuyến nghị chính sách

Image