Tính đến tháng 4 năm 2024, Ngân hàng Thế giới đã cung cấp nguồn tài chính lên tới 25,792 tỷ USD bao gồm viện trợ không hoàn lại, vốn tín dụng, và vốn vay ưu đãi cho Việt Nam thông qua 219 dự án kể từ năm 1993. Danh mục hiện nay của Việt Nam gồm 13 dự án IDA/IBRD đang triển khai, với tổng mức cam kết ròng lên đến 2,79 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam còn thực hiện một danh sách nhiều các hoạt động hỗ trợ phân tích và tư vấn (ASA) đa dạng, với 18 nghiên cứu hiện đang được triển khai, huy động hỗ trợ từ các đối tác và các quỹ tín thác của các đối tác phát triển.
COVID-19
Kể từ khi ca lây nhiễm COVID-19 được ghi nhận tại Việt Nam vào đầu năm 2020, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã đồng hành cùng Việt Nam xây dựng chiến lược ứng phó quốc gia từ quản lý khủng hoảng y tế đến thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững. Khoản tài trợ từ Quỹ Tài trợ Khẩn cấp Đại dịch đã giúp tăng cường năng lực xét nghiệm cho 84 phòng thí nghiệm trên toàn quốc, cắt giảm thời gian từ lúc lấy mẫu xét nghiệm đến khi công bố kết quả từ 24-48 giờ xuống còn 4-6 giờ. Dựa trên kinh nghiệm ở nhiều quốc gia, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra các chuyên đề tư vấn chính sách đa ngành từ chiến lược bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương khỏi tác động tiêu cực của COVID-19 đến thúc đẩy phục hồi trên diện rộng. Trong đại dịch COVID-19, Ngân hàng Thế giới đã thực hiện bảy khảo sát tần suất cao theo dõi tình hình hộ gia đình và doanh nghiệp.
Năng lượng sạch
Dự án Hiệu quả Lưới điện Truyền tải giúp nâng cao hiệu quả dịch vụ truyền tải điện tại bốn trung tâm kinh tế trọng điểm trên cả nước. Dự án đã tài trợ cho những cải tiến cơ sở hạ tầng quan trọng, giúp tăng công suất truyền tải thêm 15%. Ngoài ra, dự án góp phần giảm chi phí vận hành và bảo trì trung bình trên mỗi megawatt giờ truyền tải 20%. Độ tin cậy của hệ thống cũng được cải thiện đáng kể, với thời gian xảy ra sự cố trung bình giảm từ 76,2 phút năm 2013 xuống 15,4 phút vào năm 2021. Ngoài những lợi ích trước mắt này, dự án còn mở đường cho một tương lai bền vững hơn. Dự án tạo điều kiện cho việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo trên quy mô lớn hơn, qua đó giúp giảm phát thải khoảng 95.000 tấn khí nhà kính mỗi năm. Ngoài ra, hợp phần lưới điện thông minh của dự án đã đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành điện.
Dự án Phát triển Năng lượng Tái tạo ở Việt Nam hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn, góp phần tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo lên gần 10% trong tổng công suất phát điện của Việt Nam. Dự án đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và vốn đầu tư ban đầu để xây dựng năng lực và chính sách khuyến khích cần thiết cho tất cả các bên liên quan, tạo tiền đề cho phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn. Ngoài ra, 19 công trình thủy điện nhỏ đã được xây dựng với tổng công suất 320 MW, hàng năm cung cấp lượng điện lên đến 1.260GWh. Tất cả các công trình này đều tuân thủ thông lệ toàn cầu tốt nhất về xã hội và môi trường trên, đặt ra những chuẩn mực mới tại Việt Nam.
Môi trường và các nguồn Tài nguyên thiên nhiên
Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, khởi động từ năm 2016, đã hỗ trợ hơn một triệu nông dân trong vùng chuyển đổi sinh kế thích ứng với khí hậu và tiết kiệm tài nguyên hơn. Dự án đã tận dụng mạng lưới các nhà khoa học rộng khắp cùng với nông dân phát triển các mô hình sản xuất có thể giúp giải quyết những thách thức về sinh thái nông nghiệp và kinh tế xã hội đặc thù từng vùng, đồng thời nhân rộng các mô hình này. Dự án cũng hỗ trợ xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng thuận lợi đồng thời tăng cường hợp tác, điều phối vùng để quản lý nguồn tài nguyên nước và đất.
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã luật hóa việc thành lập thị trường carbon có hiệu lực từ tháng 1 năm 2022. Chương trình Quan hệ đối tác Xây dựng Thị trường Carbon (2016 – 2021) góp phần đặt nền tảng pháp lý và xây dựng năng lực cho Chính phủ Việt Nam để có thể sử dụng công cụ thị trường này. Chương trình cũng hỗ trợ chính phủ trong việc đánh giá các lỗ hổng về thể chế, chính sách và kỹ thuật định giá carbon đồng thời xây dựng quy trình định giá carbon bao gồm các bước thu thập dữ liệu, đo lường, báo cáo, xác minh và ghi nhận.
Quản lý nước
Dựa trên thành công của chương trình tiền nhiệm, Dự án Tăng cường Nước sạch và Vệ sinh Nông thôn Dựa trên Kết quả đã mở rộng khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho gần 7 triệu người tại 21 tỉnh nghèo nhất Việt Nam (2016-2023). Hơn 144.000 hộ gia đình đã được tiếp cận nguồn nước sạch thông qua 285.000 đường nối nước mới hoặc được cải tạo. Hơn 69.000 hộ gia đình đã xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cải tiến với sự hỗ trợ tài chính của chương trình trong khi hơn 700 xã đạt được vệ sinh toàn xã. Các nỗ lực thúc đẩy vệ sinh ở gần 450 xã đảm bảo trường học và trạm y tế địa phương duy trì các điều kiện vệ sinh đạt chuẩn.
Dự án Cải thiện Nông nghiệp Có tưới Việt Nam, kết thúc vào năm 2021, đã góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thủy lợi ở sáu tỉnh ở miền Trung và miền núi phía Bắc. Dự án đã hỗ trợ tổng diện tích gần 95.000 ha, giúp gần 252.000 hộ nông dân áp dụng các hình thức nông nghiệp dựa trên khí hậu. Những cách làm này đã giúp nông dân giảm đầu vào sản xuất, tiết kiệm nước và tăng sản lượng trên một ha lên gần sáu lần mỗi vụ. Ước tính các biện pháp canh tác do dự án hỗ trợ đã giúp giảm 4,3–4,4 tấn CO2 mỗi ha mỗi năm. Nhiều bài học kinh nghiệm từ dự án hiện đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhân rộng.
Dự án Sửa chữa và Nâng cao An toàn Đập khởi động từ năm 2016 hỗ trợ thực hiện chương trình an toàn đập quốc gia của Chính phủ. Dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước và ngăn ngừa tình trạng vỡ đập ở các khu vực hạ lưu. Tính đến nay dự án đã cải thiện tình trạng của 438 đập đa mục tiêu trong tổng số 477 đập được dự án hỗ trợ, bảo vệ khoảng 4,3 triệu người ở các cộng đồng hạ lưu. Công tác quản lý an toàn đập đã được hiện đại hóa với việc sử dụng công nghệ gắn thẻ địa lý và các hướng dẫn, thủ tục theo hướng kiểm tra và báo cáo an toàn đập.
Phát triển đô thị và quản lý rủi ro thiên tai
Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị giúp bảo vệ 420.000 cư dân trong khu vực lõi đô thị Cần Thơ khỏi nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng, ước tính gây thiệt hại kinh tế gần 200 triệu USD mỗi năm. Khởi động vào tháng 3 năm 2016, dự án xây dựng 14,2 km chắn lũ, nâng cấp 11,6 km kênh mương và xây dựng 12 km cống thoát nước. Dự án cũng xây dựng đường và cầu mới dài 10,4 km, kết nối các khu đô thị với các khu vực an toàn hơn. Với sự đồng tài trợ từ SECO, dự án cũng triển khai các chiến lược mới ứng dụng kĩ thuật số vào quản lý cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả phát triển đô thị và kế hoạch đầu tư. Các chiến lược này bao gồm Hệ thống thông tin quản lý rủi ro lũ lụt, Mạng lưới an toàn ứng phó thiên tai và Nền tảng quy hoạch không gian. Bằng cách kết hợp công nghệ với các phương pháp tiếp cận truyền thống, dự án thiết lập hệ thống phòng thủ vững chắc chống lũ lụt, thúc đẩy một mô hình phát triển đô thị bền vững và tăng cường khả năng chống chịu tại Việt Nam. Là thành phố lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của khu vực.
Dự án Phục hồi Khẩn cấp sau Thiên tai đã hỗ trợ bốn tỉnh bị ảnh hưởng bởi thiên tai phục hồi cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực của chính phủ để ứng phó với các rủi ro thiên tai trong tương lai. Dự án đã cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng về giao thông, phòng chống ngập lụt, thủy lợi và thoát nước cho gần 1,3 triệu người. Dự án cũng giải quyết những lỗ hổng về thể chế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai và xây dựng các kế hoạch quản lý rủi ro ngập lụt tổng hợp ở các lưu vực sông chính.
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững tại Việt Nam giúp nâng cao thu nhập của nông dân, giảm chi phí và tạo ra một tương lai xanh hơn thông qua cắt giảm phát thải khí nhà kính. Trong bẩy năm kể từ khi dự án bắt đầu vào năm 2015, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đã ứng dụng các phương pháp canh tác bền vững trên diện tích 182.000 ha, giúp cắt giảm 50% chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận lên 30% và giảm 1,5 triệu tấn khí thải CO2 tương đương mỗi năm. Lấy cảm hứng từ thành công của dự án, chính phủ Việt Nam, với sự đồng hành của Ngân hàng Thế giới, đã cam kết mở rộng diện tích áp dụng các phương pháp canh tác giảm phát thải lên 1 triệu ha nhằm giảm 10 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030.
Vốn Nhân lực
Giáo dục
Chương trình Nâng cao Năng lực Giáo viên mới hoàn thành đã cải thiện chất lượng dạy và học thông qua triển khai các khóa đào tạo liên tục nhằm nâng cao năng lực chuyên môn qua hình thức trực tuyến cho hơn 530.000 giáo viên và hiệu trưởng các trường phổ thông. Đồng thời, Dự án Nâng cao Chất lượng Giáo dục Học sinh Khiếm thính đã hỗ trợ xây dựng tài liệu Việt ngữ ký hiệu cho giáo dục tiểu học, góp phần cải thiện đáng kể số lượng đăng ký và kết quả học tập của học sinh khiếm thính.
Ngân hàng Thế giới cũng tư vấn chiến lược cho Việt Nam để chuẩn bị lực lượng lao động cho các công việc trong tương lai, thông qua các chương trình đầu tư lớn cho các trường đại học và thông qua các hoạt động tư vấn và phân tích về phát triển kỹ năng cho Việt Nam. Cụ thể, Dự án Nâng cao Chất lượng Giáo dục Đại học đã giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy và quản lý tại hai trường đại học hàng đầu: Đại học Nông nghiệp và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Tính đến ngày 11 tháng 11, gần nửa triệu sinh viên từ hai trường đại học này và Đại học Kinh tế Quốc dân đã được hưởng lợi từ các hoạt động của dự án thông qua cải thiện trải nghiệm học tập, đồng thời 18 chương trình đào tạo đã được cấp chứng nhận quốc tế.
Y tế
Ngân hàng Thế giới đồng hành cùng các nỗ lực của Việt Nam đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, với chi phí hợp lý. Tại các tỉnh miền Bắc, 13,7 triệu người dân - nhiều người trong số họ đến từ các vùng sâu vùng xa - được tiếp cận tốt hơn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Dự án Hỗ trợ hệ thống y tế khu vực Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng đã nâng cao năng lực điều trị cho 74 bệnh viện công lập tuyến huyện và tỉnh thông qua việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo nâng cao tay nghề cho các y, bác sĩ. Các can thiệp chính về tim mạch, sản/phụ khoa, nhi khoa, ung thư và chấn thương hiện đã có sẵn tại các bệnh viện này, giúp bệnh nhân không cần phải đi tới các bệnh viện xa nhà. Ngân hàng Thế giới cũng đang hỗ trợ chính phủ trong việc cải thiện tài chính y tế, từ đó đạt được hiệu quả và bền vững về mặt tài chính.
Giao thông
Dự án Đầu tư Xây dựng Cầu Dân sinh và Quản lý Tài sản Đường Địa phương đã thay đổi vùng nông thôn Việt Nam, cải thiện cuộc sống của hơn 11 triệu người trên 51 tỉnh thành. Những con đường khôi phục, cải tạo và những cây cầu dân sinh được xây mới đã mang các dịch vụ thiết yếu đến gần hơn với các cộng đồng ở vùng sâu vùng xa. Người dân tại hơn 1.800 xã hiện được hưởng lợi từ việc giảm chi phí đi lại và cải thiện khả năng tiếp cận trường học, bệnh viện và chợ. Dự án này cũng đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược quản lý tài sản giao thông vận tải của Việt Nam. Không chỉ tập trung vào xây dựng mới, chương trình đã giúp các nhà quản lý thấy được sự quan trọng của việc bảo trì định kỳ. Gần 51.000 km đường giao thông nông thôn được bảo trì thường xuyên, bảo vệ tốt hơn trước nguy cơ xuống cấp và thiên tai.
Dự án Phát triển Giao thông Vận tải Đồng bằng Bắc Bộ đã nâng cấp các hành lang đường thủy, xây dựng luồng tiếp cận đường thủy-hàng hải, xây dựng âu thuyền, cải tạo bến cảng và bến phà chở khách. Dự án đã giúp giảm chi phí hậu cần, thời gian vận chuyển, tăng độ an toàn và giảm lượng khí thải so với vận tải đường bộ. Dự án đã rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa trên các hành lang trọng điểm tới 36 giờ, giảm thời gian chờ đợi tại luồng vào cửa Lạch Giang 20 giờ, và giảm ô nhiễm tại các cảng tới 36%. Ngoài ra, hơn 35.000 người, phần lớn là phụ nữ, được hưởng lợi từ các công trình này, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, nơi đường thủy đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận việc làm, giáo dục và các dịch vụ xã hội. Dự án góp phần tăng cường an toàn giao thông và đạt được các mục tiêu về giao thông và khí hậu của chính phủ.
Giảm Nghèo
Việt Nam đã có những bước tiến lớn về giảm nghèo và cải thiện chất lượng sống cho hàng triệu người. Ngân hàng Thế giới đã song hành với Việt Nam trên những chặng đường cuối cùng về xóa nghèo. Tính đến năm 2022, tỉ lệ nghèo chỉ còn 4,2% tính theo chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới cho các quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,65 USD/ngày, theo PPP năm 2017).
Lần cập nhật gần nhất: 3 Tháng 5 Năm 2024