Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Việt Nam: Cần có các cải cách để thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ xã hội của người di cư

16 Tháng 6 Năm 2016


Hà Nội, 16/6/2016 —Việt Nam có thể cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ công và việc làm của người di cư bằng cách giảm thời gian và các yêu cầu để người dân có thể có được hộ khẩu thường trú - theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Báo cáo cũng đề xuất các biện pháp nhằm giảm bớt sự khác biệt trong tiếp cận dịch vụ và việc làm giữa những người có hộ khẩu thường trú và tạm trú.

Báo cáo này được xây dựng trên cơ sở dữ liệu thu thập từ cuộc Khảo sát định lượng Đăng ký Hộ gia đình năm 2015 và một nghiên cứu định tính. Báo cáo cho biết có ít nhất 5,6 triệu người tại địa bàn khảo sát hiện không có hộ khẩu thường trú ở nơi họ cư trú (và chỉ đăng ký tạm trú), trong đó có 36% dân cư ở thành phố Hồ Chí Minh và 18% ở Hà Nội. Đa số làm việc ở khu vực tư nhân, phần lớn trong lĩnh vực chế tạo, và chiếm tới ba phần tư tổng số lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư ở nước ngoài ở các tỉnh thành khảo sát (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông). Khả năng tiếp cận của họ tới các dịch vụ như trường học công, mua bảo hiểm y tế và thậm chí cả việc đăng ký xe máy đều bị hạn chế.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng cơ hội cho người dân Việt Nam,” ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. “Cần có các cải cách hơn nữa để đảm bảo là người nhập cư có được khả năng tiếp cận trường học, chăm sóc y tế và việc làm ở khu vực công như những người khác. Điều này sẽ khuyến khích người dân di cư tới các thành phố và sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam.”

Hệ thống hộ khẩu ra đời từ 50 năm trước như là một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trậ tự xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và quản lý di cư. Ngày nay, người dân có những quan điểm khác nhau về hệ thống hộ khẩu, và đa số đều cho rằng hệ thống này cần được nới lỏng hơn do đã hạn chế quyền lợi của người di cư và tạo cơ sở cho tiêu cực tham nhũng.

“Ngày nay, hệ thống đăng ký hộ khẩu không còn phù hợp trong điều hành và quản lý xã hội ở Việt Nam, vốn đang trải qua những thay đổi lớn theo định hướng đổi mới và hội nhập quốc tế”, ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết. “Hệ thống này cần được thay thế bởi một công cụ hiện đại và khoa học hơn, thông qua đó tạo điều kiện dễ dàng và hòa nhập hơn cho cuộc sống người dân.”

 

Liên hệ truyền thông
Tại Hà Nội
Vũ Lan Hương
tel : +84439378373
hvu2@worldbank.org
Tại Washington
Jane Zhang
tel : +1 202 4731376
janezhang@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
20160616

Api
Api

Welcome