Thạch Thị Thanh, 41 tuổi, một nông dân ở tỉnh Trà Vinh ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam chia sẻ rằng trước kia gia đình bà chỉ thu hoạch một vụ lúa mỗi năm do thiếu hệ thống tưới tiêu và điện.
“Đời sống ngày ấy rất vất vả,” bà Thanh chia sẻ. “Giờ thì năng suất tăng, nhờ có thêm nhiều giống mới và có hệ thống mương do nhà nước làm. Nhà tôi bây giờ có thể trồng hai, ba vụ mỗi năm.”
Bà Thanh là một trong số khoảng 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo trong vòng hơn hai thập kỷ qua. Tỉ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% hồi đầu những năm 1990 xuống 20,7% năm 2010, theo một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới có tên “Khởi đầu tốt, Nhưng Chưa phải Đã Hoàn thành: Thành tựu Ấn tượng của Việt Nam về Giảm nghèo và Những Thách thức Mới”.
Việt Nam cũng đạt được những thành tựu ấn tượng trong giáo dục và y tế. Tỉ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo đạt mức hơn 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%.
Bà Thanh chưa từng đi học, nhưng bà hy vọng cháu mình sẽ tốt nghiệp phổ thông để có thể tìm được việc làm tốt hơn với thu nhập ổn định hơn.
“Hiểu biết nhiều thì lương cao hơn,” bà bày tỏ.
Trình độ học vấn tăng và sự đa dạng hóa các hoạt động phi nông nghiệp, như làm việc ở công trường, nhà máy hoặc làm người giúp việc tại nhà, cũng đã đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.
“Những thành tựu đạt được rất ấn tượng,” bà Valerie Kozel, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới và là tác giả chính của báo cáo, chia sẻ. “Tuy nhiên, tăng trưởng đang suy giảm trong những năm gần đây do các bất ổn vĩ mô và các cú sốc từ bên ngoài, bất bình đẳng gia tăng, nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số vẫn cao và khó xóa bỏ. Những người nghèo còn lại càng khó để tiếp cận, họ phải đối mặt với những thách thức như sự cô lập, hạn chế về tài sản, trình độ học vấn thấp, sức khỏe kém. ”
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng nghèo phổ biến trong nhóm dân tộc thiểu số là quan ngại đặc biệt của Việt Nam. Mặc dù 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm chưa tới 15% dân số quốc gia, nhưng lại chiếm tới gần 50% số người nghèo trong năm 2010. Đa số các dân tộc thiểu số ở Việt Nam vẫn tiếp tục sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa và những vùng cao nơi năng suất lao động thấp hơn.